Đẩy mạnh tuyên truyền để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dânCúm mùa là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như viêm phổi, viêm não, suy tim cấp, viêm phế quản,…; hay làm trầm trọng thêm tình trạng các bệnh mạn tính như hen suyễn, đái tháo đường, COPD, thậm chí có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhiễm cúm tự điều trị tại nhà và chỉ nhập viện khi bệnh diễn tiến nặng. Thực tế này đã gây khó khăn cho công tác điều trị, khi nhiều người bệnh đã quá chủ quan vì cho rằng, khi uống thuốc hạ sốt sẽ nhanh khỏi. Trường hợp của chị H.T.C, phường Hà Khẩu (TP. Hạ Long) là một minh chứng.
“Cũng phải thú thật là khi bị sốt, ho thì tôi cũng mua thuốc hạ sốt về uống như mọi lần nhưng không khỏi. Sau bị khó thở, tôi mới đến bệnh viện thì đã bị viêm phổi. Đến đây tôi mới thấy cũng không ít người bị như thế”, chị C trải lòng.
Còn tại một số huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, vẫn còn diễn ra thường xuyên tình trạng, người dân chủ quan giã lá uống hoặc uống thuốc hạ sốt thông thường. Chị L.T.M, dân tộc Tày, một người dân xã Đại Dực (Tiên Yên) chia sẻ với phóng viên: “Thực ra khi ốm, chúng tôi cũng ít đi khám lắm. Đến khi thấy mỏi người, sốt kéo dài, nằm mệt không dậy nổi phải đi khám ấy chứ. Lúc đến mới thấy bác sĩ bảo thế này nguy hiểm lắm. Giờ đang dịch cúm mà”.
Những ngày qua tại miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh đang trong đợt rét đậm, nhiệt độ xuống thấp, chính vì vậy trẻ em và người già, đặc biệt là những người có bệnh nền, mắc các bệnh truyền nhiễm, cúm mùa... gia tăng, phải nhập viện nhiều.
Bác sĩ Vi Văn Nồng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đồng Văn cho biết: “Ở xã, bà con còn chủ quan nhiều, đặc biệt hiện tại đang có dịch cúm, sởi, thủy đậu tại nhiều nơi... Thế nên chúng tôi cũng đang tăng cường nhiều cách thông tin tuyên truyền đến các gia đình; phổ biến cho các bệnh nhân đến khám trực tiếp tại trạm y tế xã để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân”.
Trạm Y tế phường Hà Phong (TP. Hạ Long) tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ em Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 923 ca mắc cúm, giảm 22 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024 và tăng hơn so với số ca mắc ghi nhận trong tháng 12/2024. Cùng với đó, đơn vị đã giám sát 50 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 32 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút sởi.
Nhờ công tác tuyên truyền, một bộ phận người dân đã chủ động đi tiêm vaccine dịch vụ phòng ngừa dịch bệnh đường hô hấp mùa Đông - Xuân như cúm, tiêm phòng bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B-Hib...
“Người dân nên tiêm vaccine trước mùa dịch cúm như tháng 9, tháng 10 hoặc trước đó, để đến chính mùa như hiện nay, thì sẽ có miễn dịch phòng bệnh, tỷ lệ nhiễm bệnh sẽ giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, không phải cứ tiêm vaccine cúm thì sẽ không nhiễm cúm nữa, vì có rất nhiều chủng cúm khác nhau. Khi tiêm vaccine thì phòng được 4 chủng và có nhiễm chủng khác thì những tác động cũng đỡ hơn, kể cả giảm được những bệnh lý về hô hấp", bác sĩ CKII Trần Thị Diệp, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh thông tin.
Dịch cúm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trong điều kiện khí hậu ẩm lạnh. Mặt khác, nhu cầu đi lại, giao thương và các lễ hội đầu năm cũng gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, trong khi tâm lý chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, dù cách phòng bệnh rất đơn giản và hiệu quả. Do đó, mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình, để không phải trả giá đắt vì sự lơ là trước dịch bệnh.