Chương trình MTQG 1719 tiếp thêm nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỉnh Quảng Ngãi đã làm gì để triển khai hiệu quả Chương trình này, thưa ông?
Ông Hồ Ngọc Thịnh: Xác định, Chương trình MTQG 1719 nhiều ý nghĩa, mang tính chất nhân văn và sát sườn với vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành có liên quan tham mưu triển khai theo quy định đối với từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần. Ban Dân tộc tỉnh cùng các Sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc tổ chưc thực hiện Chương trình và đạt được những kết quả tích cực.
Tổng kế hoạch vốn đã phân bổ để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn tỉnh là 1.794,294 tỷ đồng, gồm: ngân sách Trung ương là 1.621,921 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh là 172,373 tỷ đồng. Tính đến 31/1/2024, tổng vốn đã giải là 660,381 tỷ đồng (đạt 36,8%), trong đó vốn đầu tư công đã giải ngân là 493,273 tỷ đồng (đạt 56,3%) và vốn sự nghiệp đã giải ngân là 167,108 tỷ đồng (đạt 18,2%). Tỉ lệ giải ngân tích luỹ thấp là do vốn đầu tư phân bổ năm 2024 là 4,484 tỉ đồng chưa được giải ngân. Trước đó, năm 2022, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư là hơn 95%, còn năm 2023 là gần 85%.
Bên cạnh những thuận lợi trên, thì quá trình triển khai Chương trình vẫn còn một số tồn tại. Tỉ lệ giải ngân vốn sự nghiệp còn thấp, chỉ đạt 31,6% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2022 và 2023. Các nội dung về đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nghề; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số thuộc Dự án 5 chưa được triển khai thực hiện. Một số nội dung trong thực hiện Chương trình chưa được ban hành như quy định trợ cấp gạo cho hộ tham gia bảo vệ rừng thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3; hướng dẫn công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, việc rà soát số liệu để làm cơ sở phân bổ vốn và xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hàng năm của các huyện chưa sát với nhu cầu thực tế và kế hoạch giai đoạn đã được phê duyệt gây khó khăn trong công tác tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ vốn và triển khai thực hiện. Việc huy động vốn ngoài ngân sách thực hiện Chương trình theo kế hoạch của giai đoạn chưa được thực hiện do Chương trình được thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh ở khu vực này…
Xin ông cho biết, từ khi triển khai Chương trình đến nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi đã được đầu tư những gì?
Ông Hồ Ngọc Thịnh: Từ nguồn vốn Chương trình, Quảng Ngãi đã thực hiện đầu tư 45 công trình nước sinh hoạt tập trung cho hơn 3.226 hộ thụ hưởng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.875 hộ. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 413 hộ ở huyện Ba Tơ và Sơn Hà, Sơn Tây; cho vay 90 hộ với số tiền hơn 5,1 tỉ đồng (huyện Sơn Hà 39 hộ, Sơn Tây 16 hộ, huyện Ba Tơ 29 hộ, Minh Long 1 hộ, Nghĩa Hành 5 hộ).
Hiện nay các địa phương đang thực hiện 11 dự án về quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư ở những vị trí cần thiết. Năm 2022 đã thực hiện khoán bảo vệ rừng cho đối tượng chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh; hỗ trợ bảo vệ rừng cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và UBND các xã với tổng diện tích là hơn 61.100ha, trong năm 2023 dự kiến là gần 42.000ha…
UBND các huyện đã thực hiện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 239 công trình gồm: xây dựng, nâng cấp 161 công trình giao thông; 20 công trình thủy lợi; 6 công trình điện; 2 công trình chợ; 2 công trình nghĩa trang Nhân dân. Đồng thời, nâng cấp, sửa chữa 1 công trình đài truyền thanh xã; thực hiện xây dựng các điểm trường và các hạng mục tường rào, cổng ngõ, sân bê tông cho 15 công trình; xây mới, sửa chữa nâng cấp 32 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, hầu hết các công trình hầu hết đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với UBND các huyện đã thực hiện xây dựng 26 công trình, dự án; đã hoàn thành 19 dự án; triển khai 7 lớp tập huấn cho 464 cán bộ, giáo viên; tổ chức cho 57 cán bộ giáo viên tham gia các đợt tập huấn. UBND các huyện triển khai 5 lớp tập huấn truyên truyền công tác triển khai chương trình xóa mù chữ trên địa bàn 5 huyện miền núi; mua sắm 11 máy tính để bàn và 11 màn hình hiển thị cho 9 trường THPT; mua sắm, cấp phát trang thiết bị cho các trường và tổ chức tập huấn truyên truyền công tác triển khai chương trình xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức và tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng thời tổ chức Chương trình chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổ chức hỗ trợ 7 đợt để hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh…
Đến nay, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch của tỉnh; các chính sách về y tế, giáo dục được quan tâm chỉ đạo và triển khai có hiệu quả.
Quảng Ngãi đặt mục tiêu gì từ việc triển khai Chương trình MTQG 1719 trong năm nay và những năm tiếp theo, thưa ông?
Ông Hồ Ngọc Thịnh: Trong năm nay, tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu để thực hiện, trong đó phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 6 - 7% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025. Địa phương cũng phấn đấu thực hiện 13 dự án về bố trí sắp xếp dân cư; đào tạo nghề cho khoảng 1.500 người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 5.500 hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 892 hộ; giải quyết sinh kế cho 3.744 hộ…
Để thực hiện được điều đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các cấp, sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cấp cơ sở và người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Chương nhằm thực hiện đạt được các mục tiêu của Kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, cần rà soát, phân công, điều chỉnh một số nhiệm vụ cho sở, ngành, địa phương chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án để thực hiện một cách có hiệu quả; trong đó chú trọng đến việc các vấn đề cần thiết, bức xúc, nâng cao thu nhập cho người dân. Địa phương cũng đang tính toán để có phương pháp mới, cách làm mới trong việc hỗ trợ thực hiện các dự án phù hợp với điều kiện cụ thể.
Tăng cường vận động các nguồn lực ngoài ngân sách, các doanh nghiệp tham gia vào các dự án hỗ trợ, đầu tư của chương trình; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Lồng ghép việc thực hiện các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc tổ chức thực hiện tại cơ sở; kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình…