Đông Giang là một trong những địa phương sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong việc triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ cuối năm 2023, huyện đã lập danh sách các hộ dân có đủ điều kiện được trợ cấp con giống, vật nuôi để tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng. Thành phần được hỗ trợ chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo. Đầu năm 2024, UBND huyện tổ chức cho một số hộ dân đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm nuôi hươu sao ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Ông Alăng Ngơi (52 tuổi, xã Ba), một trong những người được hỗ trợ giống hươu sao kể: Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, từ khi được Nhà nước hỗ trợ 5 con hươu để cải thiện kinh tế, gia đình ông cảm thấy rất may mắn. “Trước khi được cấp 5 con hươu sao, tôi và nhiều hộ dân được nhiều tập huấn kỹ thuật, được tư vấn về làm chuồng trại sao cho phù hợp. Từ số tiền 30 triệu đồng dành dụm, vay mượn bạn bè, gia đình đã làm chuồng nuôi hươu. Hiện nay, hưu phát triển ổn định, hy vọng đến cuối năm sẽ có lứa nhung đầu tiên”, ông Ngơi phấn khởi nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thư (50 tuổi, xã Ba) cũng được hỗ trợ hươu để chăn nuôi chia sẻ: Mình là 1 trong 10 hộ của xã được nhận hỗ trợ hươu để cải thiện sinh kế, giảm nghèo. Từ khi có tên trong danh sách được hỗ trợ hưu, cả nhà mình rất mừng và cũng ngờ tới.
“Đây là vật nuôi mới trên địa bàn, tôi và những hộ được hỗ trợ hươu đều được tập huấn về chăn nuôi, về quy trình, quy cách lấy nhung hươu sao cho đúng. Thức ăn của hươu cũng dễ kiếm, lợi nhuận dự kiến cũng khá cao, nên gia đình rất tin tưởng sẽ có thu nhập trong vài tháng tới”, ông Thư cho hay.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Kim Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Ba, cho biết: Từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện giao, xã đã triển khai hỗ trợ sinh kế cho bà con. Nhận thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung có nhiều triển vọng, huyện đã cấp cho dân để phát triển kinh tế. Đầu ra thì có sẵn, với giá bình quân khoảng 14 triệu đồng/kg.
Cũng theo ông Thông, ngoài mô hình hỗ trợ hươu sao, huyện Đông Giang cũng bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ heo giống sinh sản, hàng chục ngàn cây giống như cây chè, cây dược liệu, giống cây ăn trái… Những mô hình này nhằm tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận khoa học - kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư hình thành các gia trại chăn nuôi tập trung, mở rộng diện tích cây trồng theo phương thức an toàn sinh học, tạo nguồn giống tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Không chỉ ở Đông Giang, huyện Hiệp Đức cũng đã đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất cho người dân theo hướng tập trung, chuỗi giá trị. Khoảng giữa năm 2023, huyện đã phân bổ hàng chục tỷ đồng cho các xã, thị trấn thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo Dự án 2 và tiểu dự án 1- Dự án 3 cho người dân giai đoạn 2023 - 2025. Đây được xem là chiếc “cần câu” giúp nhiều hộ dân trên địa bàn phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo.
Điển hình như tại xã Phước Trà, từ khi được phân bổ nguồn vốn, xã nhanh chóng triển khai đến với các hộ dân. Theo danh sách rà soát, có 66 hộ đủ điều kiện đăng ký giảm nghèo với hai mô hình là nuôi bò nái lai sinh sản kết hợp tiêu thụ bò thịt và nuôi heo đen bản địa.
Từ việc đăng ký này, địa phương tiếp tục rà soát và gửi danh sách về huyện. Trong năm 2023, có 34 hộ dân từ số hộ đăng ký trên, đủ điều kiện được cấp bò lai sinh sản theo hai dự án. Cụ thể, có 24 hộ được hỗ trợ theo Dự án 2 (đa dạng sinh kế - phát triển mô hình giảm nghèo), mỗi hộ được một cặp bò sinh sản; 10 hộ được hỗ trợ, với tổng số 20 con bò nái lai sinh sản theo Tiểu dự án 1, Dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp).
Theo ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch xã Phước Trà, các mô hình này đã góp phần tạo sự đa dạng cho việc phát triển kinh tế của người dân, đồng thời tạo nên các chuỗi sản xuất liên kết giúp đầu ra cho người dân ổn định. Mô hình mới triển khai, tuy chưa thấy lợi nhuận, nhưng về lâu dài sẽ giúp người dân cải thiện thu nhập, ổn định hơn trong cuộc sống. Thông qua dự án liên kết này, người dân được tiếp cận với loại con giống mới, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, từ đó làm thay đổi cơ cấu giống con vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Tỉnh đã nỗ lực hỗ trợ thực hiện dự án sinh kế, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm…cho người dân. Đặc biệt là hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.