Làng mộc Kim Bồng nằm bên bờ sông Thu Bồn, là một trong những làng nghề truyền thống của Hội An. Nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ 15, bởi những người tài hoa từ đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ Tĩnh vào khai khẩn vùng đất Kim Bồng.
Đến cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng với 3 nhóm nghề: Mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, mộc dân dụng và nghề đóng sửa tàu thuyền.
Năm 2005, làng mộc Kim Bồng được công nhận Làng nghề truyền thống. Đến năm 2016, nghề mộc truyền thống Kim Bồng được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, nghề mộc truyền thống ở Kim Bồng vẫn được lưu giữ, trong đó có mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, đóng sửa tàu thuyền...
Tham gia Ngày hội có nhiều nghệ nhân, thợ trẻ với lòng yêu nghề. Họ là những người thợ khéo léo, cần mẫn sáng tạo nên những sản phẩm mang tính nghệ thuật và giá trị văn hóa cao, góp phần lưu truyền tinh hoa nghề mộc ở Kim Bồng.
Như thường lệ, hội làng nghề mộc Kim Bồng có nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó phần lễ quan trọng nhất là Lễ cúng tổ nghề Mộc diễn ra từ buổi sáng. Tiếp theo đó là phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, như hội đua thuyền, các trò chơi dân gian như hát bài chòi, tham quan trình diễn và trưng bày các sản phẩm của làng nghề, thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương…
Theo các nghệ nhân ở làng mộc, trong những năm qua, làng mộc Kim Bồng không chỉ làm ra hàng triệu sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài nước, mà còn là điểm đến du lịch độc đáo để du khách có cơ hội được trải nghiệm làm nghề. Cùng với các làng nghề truyền thống khác như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng là một trong những địa điểm du lịch trải nghiệm độc đáo dành cho du khách trong và ngoài nước.
Ông Huỳnh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết, hiện nay ở địa phương có khoảng 100 người theo nghề mộc. Sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, qua đó thu nhập của người làm nghề ngày càng được cải thiện. Việc kết hợp giữa làng nghề và du lịch cũng tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho bà con. Chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát triển và gìn giữ làng nghề truyền thống.