Theo đó, đối tượng trợ cấp gồm: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II (xã còn khó khăn) và khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt, các hộ gia đình sinh sống ở khu vực này thực hiện bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ với diện tích từ 0,3 ha trở lên; nhận khoán bảo vệ rừng từ 1,0 ha trở lên trong thời gian chưa tự túc được lương thực (hộ chưa tự túc được lương thực là hộ tính đến thời điểm rà soát có nguồn dự trữ lương thực, dự trữ bằng tiền, giá trị hàng hóa có thể bán được để mua lương thực tính bình quân dưới 15 kg gạo/khẩu/tháng).
Theo quyết định mức trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo tại thời điểm trợ cấp. Được trợ cấp gạo tẻ thường theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về gạo dự trữ Quốc gia hiện hành. Thời gian trợ cấp tối đa 9 tháng/năm (mỗi năm trợ cấp tối đa không quá 03 lần, mỗi lần trợ cấp không quá 3 tháng), thời gian trợ cấp không quá 07 năm.
UBND tỉnh ủy quyền UBND cấp huyện quyết định, phê duyệt danh sách đối tượng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo chưa tự túc được lương thực theo quy định.
Đồng thời các sở, ngành chức năng cùng các đơn vị liên quan khác được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo phối hợp, chủ trì thẩm định, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của các địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách tích cực nhằm hỗ trợ người dân bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn như: hỗ trợ cây giống, hướng dẫn đồng bào quy trình trồng và chăm sóc rừng; tập huấn nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm cho đồng bào trong việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng, phát triển rừng bền vững vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ tốt tài nguyên, môi trường.
Quảng Bình đã thực hiện quy hoạch diện tích 3 loại rừng; trong đó, ưu tiên giao một phần cho cộng đồng và hộ đồng bào dân tộc quản lý, sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, độ che phủ rừng hàng năm ở địa phương đều tăng. Tỷ lệ che phủ rừng ở tỉnh hiện đứng thứ hai cả nước với khoảng 70%.