Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Bình, lũ lụt tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề đối với tỉnh Quảng Bình. Toàn tỉnh có 25 người chết, 255 người bị thương, cơ sở hạ tầng tại nhiều nơi bị phá hủy,. Ước tính ban đầu thiệt hại khoảng hơn 47 nghìn tỷ đồng.
Ghi nhận tại các xã bị ngập lụt nặng của các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Minh Hóa…, dễ dàng nhận thấy tình trạng rác thải, chất thải, xác động vật còn đọng lại tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cho người dân rất lớn. Bên cạnh đó, trong những ngày ngập lụt, nhiều người đã phải dầm mình trong nước lũ, tiếp xúc nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh.
Trở về nhà sau khi lũ rút, ông Hoàng Đại Khoa, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy xót xa nhìn ngôi nhà bị lũ tàn phá, đồ đạc bị cuốn trôi, chỉ còn bùn lầy chất đầy trong nhà.
“Hiện, chúng tôi đang cố dọn dẹp để lấy nơi ở, những ngày qua, gia đình phải sống trong cảnh ẩm ướt và lầy lội. Khó khăn lớn nhất là thiếu nước sạch, tất cả giếng nước đều đã bị nhiễm bẩn nên chúng tôi không thể sử dụng. Tình trạng này cứ kéo dài thì chỉ có phát bệnh thôi”, ông Khoa nói.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cảnh báo: Người dân ở các vùng bị ngập lụt nặng dễ mắc các loại dịch bệnh như: Bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt, da, các bệnh lý do nhiễm trùng vết thương... Nguyên nhân chính là do nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm. Mặt khác, sức đề kháng của người dân bị giảm sút vì phải lao động quá sức (dọn dẹp nhà cửa để tránh bão, lũ, xử lý vệ sinh môi trường sau lũ), việc ăn uống không bảo đảm dinh dưỡng nên rất dễ mắc bệnh, nhất là những người già, người có bệnh nền và trẻ em.
Ngay khi lũ rút, nhiều bệnh viện, trạm y tế, trung tâm y tế huyện của tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Sở Y tế tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế, cấp thuốc, hóa chất cho các đơn vị nhằm sớm trả lại môi trường sạch cho bà con vùng bị ngập lụt.
Bộ Y tế cũng đã cử Đoàn công tác đến Quảng Bình để hỗ trợ triển khai các hoạt động kiểm soát, xử lý dịch bệnh phát sinh sau lũ; cung cấp đầy đủ thuốc, hóa chất… cho các địa phương để phục vụ công tác khắc phục hậu quả lũ, lụt, phòng chống dịch bệnh.
Với phương châm “Nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó”, các cán bộ y tế đã sớm có mặt tại các địa phương để hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường, nguồn nước, cung cấp đầy đủ hóa chất cần thiết như: Cloramin B, Aquatas… cùng các loại thuốc thiết yếu khác để xử lý môi trường và điều trị các loại bệnh thông thường hay mắc phải sau lũ, lụt cho người dân; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý nguồn nước trong thời gian sớm nhất nhằm phục vụ cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.
“Nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án để đối phó với các tình hình dịch bệnh có thể xảy ra, trong đó chú trọng dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh thường phát sinh sau lũ. Cho đến thời điểm này, tỉnh Quảng Bình chưa ghi nhận các ổ dịch lớn tại những địa phương vùng lũ”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp cho hay.