Thay đổi diện mạo
Trong 5 năm, từ 2014-2018, bằng nhiều nguồn lực huy động từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc để hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao dân trí; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đã tạo đà cho các xã vùng DTTS, miền núi của tỉnh phát triển, góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng DTTS, miền núi của tỉnh.
Điển hình như, từ nguồn vốn Chương trình 135, trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư cho các xã vùng DTTS với số tiền hơn 103 tỷ đồng (bình quân 1,5 tỷ đồng/xã/năm). Trong đó, dành hơn 65 tỷ đồng để xây dựng 57 công trình thiết yếu, như: giao thông, trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt, tu sửa trạm y tế. Đến nay, 100% số xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô về trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa... tạo điều kiện cho giao thương giữa các vùng, miền; 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, mầm non và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 15/17 xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 80%, khu vực trung tâm và một số bản ở 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch được sử dụng điện mặt trời...
Bên cạnh đó, Chương trình 135 cũng đã hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất từng bước nhân ra diện rộng, nâng cao năng lực cộng đồng. Với tổng kinh phí hơn 9,2 tỷ đồng đã có hơn 96.000 lượt người dân vùng đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách với các mặt hàng hỗ trợ như muối, bột canh i ốt chống bệnh bướu cổ, tiền mặt và các hiện vật như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... góp phần giải quyết những nhu cầu cần thiết về đời sống và sản xuất cho các hộ nghèo vùng DTTS.
Ông Hồ Văn Mừng, bản Khe Khế, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy cho hay: Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và công tác vận động, tuyên truyền của chính quyền, giúp bà con thay đổi cách làm, đổi mới tư duy trong lao động sản xuất. Từ năm 2015 đến nay, đã có hàng trăm lượt bà con tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, cây trồng, bảo vệ thực vật.
Các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất bước đầu đã mang lại hiệu quả như: mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái sinh sản; chăn nuôi lợn Vân Pa, bò, gà thả vườn, dê… Nhiều hộ vươn lên khá giả, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương như bà Hồ Thị Năng, ông Hồ Tích, ông Hoàng Văn Phong....
Tiếp tục đầu tư cho giảm nghèo
Góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn phải kể tới chính sách hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đầu tư cho các xã vùng đồng bào DTTS. Theo đó, huyện nghèo Minh Hóa đã được đầu tư gần 41,3 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: giao thông, trường học, nước sạch, điện lưới, thủy lợi và các công trình phúc lợi khác, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong đó, địa phương đã xây dựng 17 công trình, với tổng số vốn 33 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế là 8,2 tỷ đồng với 3.265 lượt hộ hưởng lợi.
Ông Hồ Pheo, Người có uy tín bản Ka Vàng, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: Những năm qua, nhờ các chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt so với trước đây.
“Bà con không còn bị đói, rét, nhiều gia đình đã có ti vi để xem, đài để nghe tin tức, có điện thoại để thông tin liên lạc, có xe máy để đi lại phục vụ lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Con em đồng bào DTTS đều được đi học và thực tế đã có nhiều em đỗ các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Bộ mặt vùng đồng bào chúng tôi ngày càng đổi mới tích cực hơn”, ông Hồ Pheo nói.
Ông Phan Công Khánh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình thông tin, nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách về dân tộc, hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 4-5%, đến cuối năm 2018, còn 69,79% hộ nghèo theo chuẩn mới.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào DTTS của tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức. Tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, rồi mưa lũ làm ảnh hưởng đến sản xuất, các công trình phúc lợi xã hội và tài sản của bà con. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao so với bình quân chung của tỉnh, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, số hộ có nguy cơ tái nghèo còn cao.
Ông Phan Công Khánh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho hay, tỉnh Quảng Bình đã đặt ra mục tiêu quan trọng, trước mắt là đẩy mạnh công tác giảm nghèo vùng DTTS bằng nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể và phù hợp hơn. Trong đó, ưu tiên nguồn lực để tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, xóa nhà ở dột nát (phấn đấu trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn) để bà con an tâm, tập trung phát triển sản xuất. Động viên khuyến khích, tạo thuận lợi cho các tổ chức đoàn thể, cá nhân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng. Tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tìm thị trường đầu ra cho nông sản, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng lên gấp 1,5-2 lần so với hiện nay.
THU THẢO