Hội thi được tổ chức tại Trường trung cấp nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên, thu hút 235 học sinh tham gia, không chỉ giúp học sinh tìm hiểu kiến thức pháp luật, các em còn được trải nghiệm những kỹ năng viết kịch bản, thiết kế sân khấu, diễn xuất… để truyền tải được những nội dung đến các bạn và ban giám khảo.
Em Vi Hoàng Tuấn Dũng, học sinh lớp Kỹ thuật máy tính 3 chia sẻ, trước khi tham gia hội thi, các thầy, cô giáo yêu cầu chúng em tìm hiểu rất nhiều luật; sau đó lựa chọn, xây dựng kịch bản, rồi tổ chức diễn tập. Nhờ vậy, mỗi thành viên trong lớp đều có dịp được tìm hiểu và nghiên cứu pháp luật làm kinh nghiệm sống cho mình.
Còn em Lê Bích Thủy, học sinh lớp May thời trang, hào hứng kể: Hơn 2 tuần tập kịch bản, em và các bạn trong lớp đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Không chỉ tìm hiểu pháp luật, hội thi còn mang lại cho chúng em rất nhiều cảm xúc, nhiều kỹ năng và trải nghiệm. Chúng em mong muốn được thường xuyên tham gia các hoạt động tương tự, để có nhiều cơ hội trải nghiệm bổ ích.
Bên cạnh việc giúp các em học sinh tự tin thể hiện năng lực của mình, thông qua những câu chuyện thực tế, sinh động; những tình huống trực quan trên sân khấu, giúp cho các em học sinh dễ dàng hình dung đến những tình huống dễ gặp phải trong thực tế cuộc sống…Đặc biệt, những tiểu phẩm trong hội thi xoay quanh các vấn đề an toàn giao thông, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, quyền trẻ em… giúp học sinh hiểu và làm theo pháp luật.
Đơn cử như tiểu phẩm “Chúng em có làm sao đâu” của lớp Điện công nghiệp 3, kể về những thanh niên mới lớn tập tành đi xe máy, uống rượu bia. Sau chầu nhậu ngà say, 4 thanh niên lên một xe máy chạy về nhà; liên tục vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng... Bị cảnh sát giao thông thổi phạt, các thanh niên lý sự: “Chúng em có làm sao đâu? Chúng em không gây tai nạn hay gây nguy hiểm cho ai cả”.
Khi lực lượng cảnh sát giao thông kiên quyết xử phạt, giải thích về sự nguy hiểm thiếu ý thức khi tham gia giao thông, các chàng trai trẻ mới nhận thức được những nguy cơ của việc mình làm. Tuy nhiên, sự ân hận phải trả giá bằng mức phạt khá đắt.
Hay như tiểu phẩm “Do cái bụng” đạt giải Nhất tại Hội thi. Tiểu phẩm kể về câu chuyện buồn của cô bé khuyết tật Hờ Min. Do sự sắp xếp của gia đình, Ma Min và Mí Min vốn là anh em họ, lại lấy nhau ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Cuộc sống khó khăn, Ma Min rơi vào chán nản, rượu chè; đổ lỗi cho vợ không biết đẻ nên sinh ra con tật nguyền.
Đến khi được già làng, cô giáo giải thích về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống, Ma Min mới hiểu ra và hứa sẽ chí thú làm ăn. Câu chuyện kết thúc có hậu, khi cô giáo hứa sẽ hỗ trợ cho xe lăn và cử bạn đến đưa Hờ Min đi học để có một tương lai tốt đẹp hơn...
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Yên cho biết: Trong năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các trường học, trường nghề tổ chức 4 hội thi tuyên truyền pháp luật trong học sinh DTTS và miền núi, với hơn 1.500 học sinh tham gia. Trong tháng 12/2020, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp tổ chức 5 hội thi nữa cho các đối tượng này.
"Điều phấn khởi là, ngoài việc tham gia các hội thi, học sinh sẽ chủ động tìm hiểu các luật, qua đó nhận thức về pháp luật cũng được nâng lên; thì đây cũng là sân chơi bổ ích, ý nghĩa đang thu hút các em", ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Yên nói.