Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), đơn vị đã triển khai nhiều mô hình sản xuất tại vùng miền núi, giúp thay đổi tập quán canh tác của bà con, đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Sở chú trọng tới khâu giống, cơ giới hóa, đa dạng cơ cấu cây trồng, giảm chi phí sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp tự động hóa.
Đến nay, bà con vùng miền núi đã căn bản nâng cao kỹ thuật canh tác, từng bước hiện đại hóa sản xuất… Thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai các mô hình; trong đó, tập trung vào các loại nông sản chủ lực gắn với mỗi xã một sản phẩm làng nghề; thử nghiệm các cây trồng mới, giống mới cho giá trị kinh tế cao.
Trong 3 huyện miền núi thì, Sông Hinh là huyện đi tiên phong trong việc xây dựng các mô hình sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Địa phương đang triển khai mô hình thâm canh cây lúa nước trên đất mới khai hoang tại trạm bơm buôn Học, xã Ea Lâm, với quy mô gần 4,4ha, thu hút 16 hộ tham gia, gồm các giống PY13, CH33, VN121… Bên cạnh đó, huyện còn nhân rộng diện tích mô hình trồng cây ăn trái tại 11 xã, thị trấn lên 39,3ha, tăng hơn 29ha so với năm 2017, với các giống chủ lực như cam, bơ, sầu riêng, xoài, ổi, bưởi, mít…
“Để hướng tới sản xuất sạch theo chuẩn VietGAP, Phòng NN&PTNT huyện khuyến khích các hộ sử dụng phân hữu cơ, tái tạo đất bằng cách khôi phục môi trường sống cho vi sinh vật có lợi, thu hút thiên địch tấn công vi sinh vật có hại…, nhiều người dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ trồng cây ăn trái”, ông Sự cho biết thêm.
Huyện Đồng Xuân cũng triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất, từng bước đa dạng cây trồng, tránh rủi ro trong sản xuất. Theo ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, hơn 5 qua, ngoài cây lúa, địa phương còn thực hiện các mô hình sản xuất trên các cây trồng khác, như, mô hình thâm canh cây đậu phộng với diện tích 21ha tại xã Xuân Phước, thâm canh cây mít tại xã Xuân Sơn Bắc, quy mô 7ha và trồng rừng thâm canh gỗ lớn giống keo lá tràm tại các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Đa Lộc với quy mô 60ha. Qua đó, giúp bà con thay thế diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả; chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn trái và trồng rừng, tăng hiệu quả kinh tế.
Tại huyện Sơn Hòa, địa phương cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất, trong đó nhiều nhất là các mô hình trên cây mía, từng bước hướng tới xây dựng cánh đồng mía lớn. Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) cho biết: Trong năm qua, đơn vị đã triển khai 3 mô hình trên cây mía tại các xã Ea Chà Rang và Krông Pa, chú trọng tới việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
“Đơn vị đã hỗ trợ 7 giàn phun mưa cho 7 hộ để tưới nước cho mía trên diện tích 7ha, 4 giàn thiết bị trồng và bón phân cho 8 hộ trên diện tích 8ha. Kết quả mía tưới nước cho năng suất cao hơn trồng mía ăn theo nước trời 18 tấn/ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2,4 triệu đồng/ha. Còn khâu trồng và bón phân bằng máy tiết kiệm được 2 triệu đồng chi phí cho mỗi ha”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Phạm Minh Trí ở xã Ea Chà Rang, so với canh tác thủ công, khi trồng và bón phân cho mía bằng máy, có thể tiết kiệm được 1 lần cày (tương đương 1 triệu đồng) và giảm được 10 công lao động.
“Nếu tính ở giá thấp thì 150.000 đồng/công. Nhưng trên thực tế, giá công ngày một cao, có lúc hiếm lao động nông nhàn, tôi phải thuê công từ 200.000-250.000 đồng/công. Việc đưa máy móc vào sản xuất là nhu cầu tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại”, ông Trí nói.
LÊ PHƯƠNG