Thời gian gần đây, công an các địa phương liên tiếp nhận đơn trình báo của phụ huynh học sinh nhận được cuộc gọi từ đối tượng lạ tự xưng là giáo viên thông báo con, người thân bị tai nạn tại trường, đang đi cấp cứu tại bệnh viện. Các đối tượng yêu cầu phụ huynh chuyển tiền gấp vào tài khoản do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhập viện, phẫu thuật sau đó chiếm đoạt tài sản.
Điểm chung của hình thức lừa đảo là các đối tượng có đủ thông tin về tên, lớp và trường con đang theo học. Khi gọi điện tiếp cận phụ huynh, các đối tượng sẽ đánh vào tâm lý lo sợ, thậm chí là hoảng loạn của phụ huynh khi nghe tin con em mình bị tai nạn, đang cấp cứu ở bệnh viện. Nếu thiếu tỉnh táo, phụ huynh có thể mắc bẫy và chuyển tiền cho các đối tượng.
Trước thực trạng đó, phía công an và các chuyên gia an ninh khuyến cáo cha mẹ cần tỉnh táo và cẩn trọng để tránh sập bẫy. Khi nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn báo tin con cấp cứu, nhập viện, phụ huynh nên:
Bình tĩnh, liên lạc với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế ở trường học, hoặc bệnh viện để xác minh chính xác về thông tin của con.
Tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ, không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa kiểm chứng sự việc.
Nếu được báo tin con đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cha mẹ hãy gọi ngay đến số điện thoại Khoa Cấp cứu và Chống độc: 0981113515 hoặc đến trực tiếp Bệnh viện để xác minh người thân có đang điều trị cấp cứu tại bệnh viện hay không.
Các phụ huynh cần biết, tại các bệnh viện, phụ huynh yên tâm rằng nếu chẳng may con phải nhập viện cấp cứu, nhân viên y tế sẽ kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho con trước, bởi việc cứu người bệnh là trên hết, mọi chi phí để thực hiện cho một ca mổ hay thủ thuật nào đó sẽ được tính sau.
Ngoài ra, phụ huynh cần hiểu rõ rằng bất kì một ca mổ hay thủ thuật nào, người bệnh hoặc thân nhân chịu trách nhiệm y khoa (thường là vợ, chồng, bố mẹ, con cái,… của người bệnh) cũng phải ký vào giấy cam kết phẫu thuật – thủ thuật. Vì vậy, việc phải chuyển tiền cho người lạ để hoàn thiện các thủ tục cấp cứu, phẫu thuật cho con là không có căn cứ.
Trích theo Luật khám chữa bệnh năm 2009 quy định:
Điều 61. Thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa
1. Mọi trường hợp phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa đều phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc đại diện của người bệnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Người bệnh thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này, trước khi phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa phải được người đại diện của người bệnh đồng ý bằng văn bản.
3. Trường hợp không thể hỏi ý kiến của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh và nếu không thực hiện phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định tiến hành phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa.
Điều 13. Quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi
1. Trường hợp người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.
2. Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài cha mẹ, Điều 52 Bộ Luật Dân sự quy định: Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo thứ tự ưu tiên là
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cập nhật thường xuyên tình hình an ninh trật tự để biết các thủ đoạn phạm tội mới, từ đó đề cao cảnh giác hơn. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận giải quyết hoặc nhờ sự trợ giúp của nhà trường và người xung quanh./.