Tham dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, viện nghiên cứu, trường đại học; các nhà khoa học…
Từ năm 2014 đến nay, Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 đã trở thành dịp để các bộ, ngành, địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp tổ chức hoạt động phổ biến, giới thiệu các cơ chế, chính sách mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ÐMST); giới thiệu thành tựu nổi bật của KH&CN; góp phần khẳng định vị trí, vai trò của KH, CN&ÐMST trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; tôn vinh, ghi nhận đóng góp của cộng đồng KH&CN đối với đất nước
Những năm qua, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về KH&CN đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để KH&CN thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Ngày KH&CN năm 2022 có chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" với mong muốn ngành KH&CN Việt Nam sẽ có đóng góp thiết thực mạnh mẽ hơn, khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước, phục hồi nền kinh tế.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ KH&CN đã tổ chức trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022.
Từ 48 hồ sơ đề cử/ứng cử, Hội đồng Giải thưởng đã đề xuất Bộ trưởng Bộ KH&CN học và Công nghệ trao tặng Giải thưởng chính cho 2 nhà khoa học: GS. TSKH. Ngô Việt Trung, Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lĩnh vực Toán học; PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM, lĩnh vực Hóa học.
Công trình nghiên cứu của GS.TSKH. Ngô Việt Trung và TS. Nguyễn Đăng Hợp là công trình toán học đầu tiên thực hiện tại Việt Nam được đăng trên tạp chí Inventiones Mathematicae, nằm trong số ít tạp chí toán học hàng đầu thế giới.
Công trình của PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu và cộng sự đã nghiên cứu chế tạo một hệ vật liệu polyme tự lành mới, nhờ đó giảm thiểu chi phí sửa chữa, đem lại hiệu quả ứng dụng và hiệu quả kinh tế, giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và chất thải. Kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng một hướng nghiên cứu mới của thế giới, và khởi đầu cho việc phát triển các sản phẩm vật liệu mới "tự lành" ở Việt Nam.
Trước khi được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022, GS.TSKH. Ngô Việt Trung hay PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu đều đã có những giải thưởng khác. Với giáo sư Ngô Việt Trung, sự lao động bền bỉ và niềm vui "làm những gì mình hiểu và mình thích" từng đã đem đến cho ông và cộng sự (giáo sư Nguyễn Tự Cường và giáo sư Lê Tuấn Hoa) Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN với công trình "Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc".
PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu từng được Hội đồng khoa học L'Oreal - UNESCO trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc và học bổng nghiên cứu khoa học với đề tài "Nghiên cứu chế tạo vật liệu silicon thông minh có khả năng "nhớ hình" và "tự lành" ứng dụng làm vật liệu y sinh cấy ghép và màng phủ tự làm lành vết xước".
Đến nay, đã có 16 nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng chính, 4 nhà khoa học được trao tặng giải thưởng cho nhà khoa học trẻ trong tổng số hơn 300 hồ sơ đăng ký tham dự.
Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Văn Tùng cho biết thời gian qua, nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu mà minh chứng rõ nét là những công trình của các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân công bố quốc tế của Việt Nam là 25,68%/năm, trong đó các công bố do Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia tài trợ chiếm khoảng 60% số lượng công bố trên các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Web of Science.
Bên cạnh các công bố khoa học quốc tế, hoạt động nghiên cứu cơ bản còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trên khắp cả nước, trong đó hình thành nhiều nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực, đạt trình độ tương đương khu vực và quốc tế.
Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chú trọng đầu tư đúng mức, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp KH&CN đầu tư cho nghiên cứu đồng thời kiện toàn hệ thống tổ chức KH&CN theo hướng khuyến khích tự chủ, đẩy mạnh kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp; tạo điều kiện để nghiên cứu cơ bản thực sự là nền tảng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bền vững đi lên./.