Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017.
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, cả về tổ chức triển khai và kết quả đạt được trên từng lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuyển biến quan trọng nhất là về công tác xây dựng và ban hành thể chế (thể hiện ở tình trạng nợ đọng văn bản đã giảm đáng kể so với các năm trước), cải cách các quy định thủ tục hành chính (thể hiện ở Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện) và trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử... góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, quyết liệt hành động, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả tích cực đã đạt được, kết quả Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, như: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc chấp hành và thực thi các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chưa nghiêm, còn tình trạng quá hạn, xin lùi thời gian hoàn thành. Công tác xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế còn hạn chế...
Để nâng cao chất lượng và khắc phục những tồn tại, bất cập, Phó Thủ tướng Chính yêu cầu trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương, đề ra các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Căn cứ vào kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017, tập trung chỉ đạo rà soát, xác định rõ những điểm mạnh cũng như những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính của đơn vị mình, làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính, đồng thời, đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ cải cách hành chính được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý công chức, viên chức, thể chế liên quan đến doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc không tăng thêm các điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản.
Bên cạnh đó tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm theo quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018 và Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ; tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Hoàn thiện việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tửPhó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ, cán bộ, công chức phải thực sự là “công bộc của dân”, phải hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân.
Hoàn thiện việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương, tiến hành xây dựng và sử dụng các trang thiết bị, phần mềm dùng chung bảo đảm các hệ thống có sự đồng bộ, liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu tránh lãng phí, tư tưởng cục bộ, thiếu hợp tác; đồng thời để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong quá trình xử lý công việc; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4; phát huy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và tiến tới xây dựng Chính phủ thông minh, chính quyền thông minh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện việc đánh giá Chỉ số cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan và công bằng kết quả triển khai cải cách hành chính tại các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương.
Với mục tiêu xây dựng nền hành chính công chất lượng cao, công khai, minh bạch, dân chủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cơ hội công bằng cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nền hành chính công hiện đại, việc cải cách hành chính công và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức cần thiết phải hoàn thiện thêm các tiêu chí. Trong đó, cần lưu ý thiết kế tiêu chí đánh giá gắn cải cách hành chính công, đo lường sự hài lòng của người dân với việc đánh giá cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện phòng ngừa lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm và chống tiêu cực, tham nhũng; đưa tiêu chí này và tiêu chí phục vụ người dân, doanh nghiệp lên hàng đầu. Kết quả đánh giá vừa qua mới chỉ là kết quả bước đầu, phần nào phản ánh thực trạng công tác cải cách nhưng chưa đầy đủ, vì vậy, cần đặt ra các tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước một cách thực chất hơn trên cơ sở kết quả cụ thể của cải cách hành chính phải đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, loại bỏ những điều kiện không cần thiết, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm cung cấp nhiều hơn dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cá nhân, tổ chức với cơ quan hành chính nhà nước, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp được được phục vụ một cách tốt nhất trong quá trình tiếp cận với dịch vụ công…
Theo Chính phủ