Tôn giáo góp phần định hướng đạo đức xã hội
Trong một xã hội hiện đại đầy biến động, tôn giáo đóng vai trò như kim chỉ nam, định hướng đạo đức và lối sống lành mạnh cho con người. Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều đề cao lòng nhân ái, sự trung thực và trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Chẳng hạn, giáo lý về lòng từ bi trong Phật giáo nhấn mạnh nguyên tắc “từ bi hỷ xả”, khuyến khích con người biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ những người khó khăn. Nguyên tắc này không chỉ dừng lại ở lời dạy mà còn được hiện thực hóa qua nhiều hoạt động thiết thực trong đời sống.
Điều này thể hiện rõ qua các hoạt động từ thiện của Phật giáo trong đời sống xã hội. Điển hình như chùa Giác Ngộ (TP. HCM) thường xuyên tổ chức các chương trình phát cơm chay miễn phí cho người lao động nghèo; tham gia cứu trợ đồng bào vùng thiên tai hay xây nhà tình thương cho người vô gia cư… Hình ảnh các nhà sư và phật tử tận tay trao từng suất ăn, túi gạo hay tấm chăn ấm cho người cơ nhỡ không chỉ thể hiện tinh thần từ bi mà còn lan tỏa giá trị đạo đức nhân văn trong xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều ngôi chùa lớn như chùa Hoằng Pháp, chùa Kỳ Quang (TP. HCM) còn thành lập các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, hỗ trợ trẻ em bị bỏ rơi có nơi ăn học và phát triển. Những đứa trẻ lớn lên trong sự chở che của nhà chùa không chỉ có điều kiện học tập mà còn được dạy về lòng nhân ái, giúp chúng hình thành nhân cách tốt đẹp và có cơ hội hòa nhập với xã hội…
Ngoài ra, tinh thần từ bi của Phật giáo còn thể hiện trong việc chăm sóc bệnh nhân nghèo. Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) hay Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo đã phối hợp với các tổ chức Phật giáo để hỗ trợ viện phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tiếp cận với dịch vụ y tế mà không lo gánh nặng tài chính…
Những hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho những người yếu thế mà còn lan tỏa giá trị yêu thương và sẻ chia trong cộng đồng. Khi lòng từ bi, bác ái được thực hành trong đời sống, không chỉ giúp đỡ những người gặp khó khăn mà còn góp phần xây dựng một xã hội nhân ái, nơi mọi người biết quan tâm và đùm bọc lẫn nhau.
Tăng cường tình đoàn kết dân tộc
Một trong những giá trị cốt lõi của tôn giáo là thúc đẩy sự đoàn kết và hòa hợp trong xã hội. Ở Việt Nam, nơi có nhiều tôn giáo cùng hoạt động như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo…, tinh thần đoàn kết này càng trở nên quan trọng trong việc xây dựng một xã hội ổn định, phát triển. Các tôn giáo đều đề cao sự khoan dung, tôn trọng sự khác biệt và khuyến khích đối thoại giữa các nhóm trong xã hội, tạo điều kiện để mọi người cùng nhau phát triển.
Một minh chứng điển hình là vào các dịp lễ lớn như Đại lễ Phật đản, Giáng sinh hay Tết Nguyên đán, các chức sắc và tín đồ tôn giáo thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau, thể hiện tinh thần hòa hợp giữa các tôn giáo. Chẳng hạn, vào dịp Giáng sinh hằng năm, nhiều đoàn đại diện Phật giáo và các tổ chức tôn giáo khác đến chúc mừng các nhà thờ Công giáo, Tin Lành, trong khi các linh mục và tín hữu Thiên Chúa giáo cũng thường ghé thăm chùa chiền, gửi lời chúc tốt đẹp đến các tăng ni, phật tử trong dịp lễ Vu Lan hay Phật đản…
Ngoài ra, trong các hoạt động xã hội và thiện nguyện, tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo càng thể hiện rõ nét. Điển hình là chương trình cứu trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong đó các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Tin Lành đã cùng phối hợp tổ chức quyên góp nhu yếu phẩm, thuốc men và tiền bạc để hỗ trợ người dân.
Hình ảnh các nhà sư, linh mục và mục sư cùng nhau vận chuyển từng bao gạo, thùng mì, chai nước sạch đến tận tay người dân vùng lũ không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái mà còn là minh chứng sống động cho sự hòa hợp giữa các tôn giáo trong đời sống xã hội. Không phân biệt tôn giáo hay tín ngưỡng, họ cùng chung tay giúp đỡ những người gặp khó khăn, khẳng định rằng giá trị nhân văn và tình người luôn vượt lên trên mọi ranh giới khác biệt.
Không chỉ trong các đợt cứu trợ khẩn cấp, tinh thần đoàn kết tôn giáo còn thể hiện trong các hoạt động xã hội dài hạn. Chẳng hạn, Chương trình “Bữa cơm yêu thương” do các Phật tử và giáo dân Công giáo tại TP. HCM phối hợp tổ chức đã cung cấp hàng nghìn suất ăn miễn phí cho người lao động nghèo và bệnh nhân tại các bệnh viện. Tại tỉnh Đồng Nai, mô hình “Ngôi nhà đại đoàn kết” được sự chung tay của nhiều tổ chức tôn giáo đã giúp hàng trăm hộ gia đình khó khăn có mái ấm ổn định.
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. (Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung khảo sát nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025)Đồng thời, sự hợp tác giữa các tôn giáo còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng. Ở Huế, các nhóm thiện nguyện từ chùa Thiên Mụ, giáo xứ Phủ Cam và Hội thánh Tin Lành thường xuyên phối hợp tổ chức chiến dịch nhặt rác, làm sạch dòng sông Hương, qua đó lan tỏa thông điệp sống xanh, trách nhiệm với môi trường.
Những hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn giúp xóa nhòa khoảng cách giữa các tôn giáo, xây dựng một xã hội gắn kết, nơi con người được kết nối bởi lòng nhân ái và tình yêu thương. Khi các tôn giáo đồng hành cùng nhau vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội sẽ ngày càng phát triển bền vững, hòa bình và nhân văn hơn…
Có thể thấy, tôn giáo không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Những giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết và các hoạt động thiết thực trong đời sống kinh tế - xã hội của tôn giáo đã góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và giàu mạnh.