Ngã Ba Đồng Lộc là địa danh lịch sử nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh, cũng là nơi gắn liền với sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong. 10 cô gái, 10 hoàn cảnh, 10 câu chuyện đời, nhưng họ gặp nhau trong Tiểu đội A4, sống với nhau như một gia đình, giúp đỡ và che chở lẫn nhau.
Dưới ngòi bút chân thực, giản dị của Nghiêm Văn Tân, hình ảnh 10 cô gái hiện lên chân thực, xúc động với những bức chân dung mang mỗi người một vẻ: Tần, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh. Với sức sống, nhiệt huyết của tuổi trẻ và ý chí bất khuất kiên cường, một lòng hướng tới miền Nam yêu thương, thống nhất đất nước, các cô đều tình nguyện vào Đồng Lộc, làm việc trên đoạn đường ác liệt nhất.
Các cô mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả chung một chiến hào, chung một lý tưởng, chung một ý chí, đó là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để dành lấy nền tự do độc lập cho dân tộc. Sự hy sinh và câu chuyện về lòng can đảm của các cô đã truyền lửa cho những thế hệ sau, trở thành sức mạnh và động lực để những lớp trẻ sau không ngừng phấn đấu.
“Đài hoa tím” lần đầu được xuất bản năm 1978, in 11.200 bản. Cuốn sách thuộc thể loại truyện ký, ghi lại về cuộc sống của 10 cô gái trên Ngã Ba Đồng Lộc lịch sử ấy. Không chỉ là câu chuyện về về cuộc sống chiến đấu bám trụ trên con đường ngày đêm bị bom Mỹ giày xéo, đó còn là những tâm tư tuổi trẻ về tình yêu và cuộc sống của những cô gái còn rất trẻ.
Được biết, để có được 200 trang bản thảo “Đài hoa tím”, nhà văn Nghiêm Văn Tân đã bỏ ra hơn 10 năm trong đời cầm bút viết văn. Có thể nói đây là tác phẩm nổi bật mà ông đã viết với tất cả tinh hoa của đời mình.