"Dòng máu cao quý" là một trong những tác phẩm mang tính cá nhân, cảm động nhất, là cuốn tiểu thuyết thứ 30 của Amélie Nothomb, đồng thời lọt vào danh sách “100 cuốn sách tiêu biểu của năm” do tạp chí văn học uy tín Lire bầu chọn.
Tác phẩm kể về những năm đầu cuộc đời của ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb, cha của nhà văn Amélie Nothomb. Ông qua đời năm 83 tuổi khi bị trụy tim, trong lúc diễn ra phong tỏa do COVID-19, chính vì vậy Amélie Nothomb đã không thể gặp và nói lời chia tay cuối cùng với cha mình.
Sau cái chết của cha, Amélie Nothomb cảm thấy đau đớn và mong muốn bằng mọi cách phải đến với bố bằng hành trình nào đó. Đây chính là lí do để bà viết lên cuốn sách. Chính vì thế, đây là cuốn tiểu thuyết mang tính chất tự thuật, Amélie Nothomb đã nhập vai cha, kể lại câu chuyện về cuộc đời ông.
Tác phẩm được mở đầu bằng một cảnh kịch tính, một nhà ngoại giao bị đưa ra đứng trước đội xử bắn. Trong giây phút đang cận kề bên bờ vực sinh tử, cả cuộc đời hiện ra trước mắt anh. Nối tiếp đó, anh nghĩ lại về tuổi thơ của mình, cha mẹ anh ra sao, anh lớn lên như thế nào... Cuộc đời anh từ đó dần được tái dựng trang mấy trăm trang sách ngắn ngủi.
Với cách mở đầy ấn tượng, được viết bởi phong cách vừa hài hước, vừa cảm động, vừa dịu dàng và ngắn gọn, khiến độc giả như bị cuốn vào từng nội dung của tác phẩm.
Độc giả sẽ hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự trân trọng và lòng tôn kính mà Amélie Nothomb dành cho cha mình trong cuốn sách này. Patrick Nothomb không chỉ là người cha yêu quý mà còn là nguồn cảm hứng cho nữ tiểu thuyết gia.
Bằng cách ngược dòng quá khứ tìm về nguồn gốc của cha mình và nhấn mạnh những mâu thuẫn trong gia đình ông, Amélie Nothomb dường như cũng làm lành với chính bản thân và mang lại hơi thở mới cho sáng tác của bà. Chính điều này khiến "Dòng máu cao quý" trở thành tác phẩm mà chưa độc giả nào của Amélie Nothomb từng được đọc, tác phẩm mà mọi độc giả của Amélie Nothomb đều mong chờ.