Trong khi Lễ khai mạc được tổ chức ngoài trời, thì Lễ bế mạc Olympic Paris 2024 lại được tổ chức hoành tráng tại Sân vận động Stade de France, một trong những địa điểm mang tính biểu tượng của Thế vận hội.
Theo đó, Sân vận động Stade de France đã được chuyển đổi thành một sân khấu rộng 2.800m2 cùng những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc khác nhau. Như các kỳ trước, buổi lễ gồm những nghi thức truyền thống như dập tắt ngọn lửa Olympic, trao cờ Olympic cho Ban Tổ chức Olympic Los Angeles 2028 và cuộc diễu hành của các vận động viên để khép lại một mùa Hè thể thao sôi động.
Trong ngày thi đấu cuối cùng, Đoàn thể thao Mỹ đã cán đích với 40 Huy chương Vàng, cân bằng số Huy chương Vàng của Trung Quốc. Dẫu cũng có 40 Huy chương Vàng nhưng Mỹ đã giành ngôi nhất toàn toàn nhờ hơn Trung Quốc tổng số Huy chương. Cụ thể, Mỹ có 44 Huy chương Bạc và 42 Huy chương Đồng, trong khi Trung Quốc có 27 Huy chương Bạc và 24 Huy chương Đồng.
Đoàn thể thao Nhật Bản gây bất ngờ khi vươn lên giành vị trí thứ 3 chung cuộc, với 20 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc và 13 Huy chương Đồng. Đoàn thể thao Australia xếp vị trí thứ 4, còn chủ nhà Pháp cán đích ở vị trí thứ 5. Các vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Italia, Đức.
Đối với các đoàn thể thao thuộc khu vực Đông Nam Á, Philippines là đoàn có thành tích tốt nhất với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng để xếp vị trí thứ 37 chung cuộc. Indonesia cũng chỉ kém Philippines 1 Huy chương Đồng và xếp vị trí 39 trên bảng tổng sắp tại Olympic Paris 2024.
Tiếp đó, Thái Lan, Malaysia và Singapore là 3 đại diện còn lại của khu vực Đông Nam Á giành được Huy chương ở Olympic Paris, lần lượt xếp vị trí thứ 44, 80 và 84.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 16 vận động viên nhưng không giành được Huy chương nào và đây là kỳ Thế vận hội thứ hai liên tiếp Việt Nam trắng tay rời giải.
Olympic Paris 2024 diễn ra từ 16/7 - 12/8, quy tụ hơn 10.500 vận động viên đến từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ, tranh tài ở 32 môn với tổng cộng 329 nội dung. Đây là kỳ Thế vận hội đầu tiên có sự bình đẳng giới hoàn toàn khi Ủy ban Olympic quốc tế phân bổ 50% số suất tham dự cho vận động viên nữ và 50% cho nam. Số sự kiện thi đấu cũng cân bằng hơn về mặt giới tính với 152 sự kiện dành cho nữ, 157 sự kiện cho nam và 20 sự kiện cho cả nam và nữ.
Trải qua 19 ngày thi đấu, 329 bộ Huy chương được trao. Mỹ dẫn đầu với 40 Huy chương Vàng, Trung Quốc xếp sau với cùng 40 Huy chương Vàng song xếp nhì do kém về Huy chương Bạc. Đồng thời, có tổng cộng 125 kỷ lục Olympic bị phá vỡ ở 10 môn thi, 32 kỷ lục thế giới bị phá ở 8 môn.
Có 4 quốc gia lần đầu giành Huy chương Vàng Olympic gồm Botswana (Letsile Tebogo, chạy 200m điền kinh), Cộng hòa Dominica (Thea LaFond , nhảy ba bước nữ điền kinh), Guatemala (Adriana Ruano Oliva, bắn súng), Saint Lucia (Julien Alfred , chạy 100m nữ điền kinh). Trong khi hai quốc gia khác lần đầu có Huy chương là Albania (Chermen Valiev, Huy chương Đồng vật tự do nam hạng 74kg) và Cape Verde (David de Pina, Huy chương Đồng hạng 51kg quyền Anh).
Cùng với đó, Olympic Paris 2024 còn có mức bán vé xem cao nhất lịch sử với hơn 9,5 triệu trong số 10 triệu vé được phát hành. Gần một triệu người đã đổ ra đường để xem hai cuộc đua xe đạp đường trường.
Trên không gian mạng, hơn 12 tỷ lượt tương tác trên các phương tiện truyền thông của Thế vận hội, gấp đôi so với Olympic Tokyo 2020 và cao nhất trong lịch sử. Hơn 32 triệu người theo dõi mới đã tham gia mạng xã hội Olympic trong thời gian diễn ra đại hội, tăng gấp ba lần so với mức tăng được ghi nhận trong Thế vận hội gần nhất.