Từ nhiều đời nay, cồng chiêng là loại nhạc cụ độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có đồng bào Cơ-ho. Thấm nhuần điều đó nên già làng K’Mẻo ngày ngày đi khắp nơi sưu tầm chiêng quý, nhiều bộ chiêng quý được ông mua về lưu giữ tại nhà mình. Hiện ông là thành viên của đội cồng chiêng xã Gia Bắc, thường xuyên tham dự các cuộc thi cồng chiêng do huyện tổ chức. Mỗi khi thôn, xã có đám cưới, hay các nghi lễ thờ cúng quan trọng ông đều góp mặt, biểu diễn cồng chiêng.
Già làng K’Mẻo cho biết: “Biểu diễn cồng chiêng là đam mê từ thuở nhỏ, qua các buổi biểu diễn tôi muốn giới thiệu với nhiều người biết về văn hóa của dân tộc mình. Trong nhà tôi hiện nay có 10 bộ chiêng quý, tôi luôn trân trọng như là báu vật, mỗi bộ chiêng đều gắn với nhiều câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ”.
Cầm cái chiêng lớn trên tay, già làng K’Mẻo vừa đánh, vừa tâm sự: “Những cặp chiêng này chẳng biết có tự bao giờ, chỉ biết đây là vật thiêng được lưu truyền từ đời tổ tiên và cũng từng theo tôi suốt những tháng ngày trai trẻ đến tận bây giờ. Với già làng K’Mẻo, cồng chiêng phát huy vai trò và ý nghĩa là khi biết cách kết hợp theo bộ và chơi vào những dịp quan trọng trong buôn làng. Nhiều người thoạt nhiên nhìn vào tưởng chiêng là vật vô tri, nhưng khi có bàn tay con người tác động nó phát ra thứ âm thanh mê hoặc, nhạc cụ trở nên sống động”.
Tại Lâm Đồng nhiều người lớn tuổi như già làng K’Mẻo vẫn giữ nguyên được những phong tục truyền thống của người Cơ-ho. Nhưng thế hệ trẻ bây giờ thường lãng quên điều đó, họ chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế hằng ngày. Do đó, văn hóa ngàn đời của cha ông ngày càng bị mai một. Già làng K’Mẻo chia sẻ: “Cồng chiêng đối với bọn trẻ bây giờ chỉ là khối sắt mà thôi. Trước đây, nhà nào cũng có, ít thì một bộ, nhiều thì 3, 4 bộ. Cách đây 6 năm mình để dành tiền mua cặp chiêng này. Nhiều người lúc ấy chẳng còn muốn giữ trong nhà nữa nên bán đi. Mình nhìn mà tiếc lắm nên dành dụm tiền mua, tiếc là không thể mua được nhiều, chỉ có 10 bộ thôi”.
Ánh mắt đượm buồn, già K’Mẻo nói tiếp: “Thanh niên bây giờ thích nhạc hiện đại hơn tiếng cồng chiêng. Mình có dạy nó cũng không chịu học, mình buồn lắm. Là văn hóa cha ông thì phải giữ nguyên vẹn, sau này lúc cưới hỏi, cúng mùa có tiếng chiêng thêm vui thôn xóm. Cứ như lớp trẻ bây giờ thì mai này lấy ai đánh chiêng. Mình và Trưởng thôn từng vài lần lên kế hoạch để truyền dạy cho lớp trẻ nhưng vẫn chưa có nhiều người học đánh chiêng”.
Theo lời già làng K’Mẻo, cách đây vài năm, ông và một số hộ trong thôn vẫn dành một khoảnh đất nhỏ trong vườn gần nhà trồng lúa để hằng năm tổ chức mừng lúa mới, như một cách để nhớ về nguồn cội. Còn bây giờ, dù không có điều kiện để trồng lúa nhưng những người dân ở đây vẫn tổ chức cúng mừng lúa mới trên rẫy bắp, rẫy cà phê để tưởng nhớ và cảm ơn Yàng đã cho mùa vụ bội thu. Trong tiệc mừng lúa mới, mừng mùa màng bội thu điệu múa cồng chiêng lại vang lên lúc vui nhộn dồn dập, lúc thánh thót vang xa. Tuy nhiên, hiện các điệu múa chiêng ngày càng ít dần theo cuộc sống hiện đại.
“Cứ như cuộc sống hiện nay, mai này thế hệ chúng tôi không còn, không biết người dân Cơ-ho còn biết đánh chiêng không? Một số nghi lễ ngày càng được tổ chức một cách đơn giản, nhiều lúc chỉ còn là hình thức. Thanh niên bây giờ thích nhạc hiện đại hơn tiếng cồng chiêng. Mình có dạy nó cũng không chịu học, mình buồn lắm. Là văn hóa cha ông thì phải gìn giữ, sau này lúc cưới hỏi, cúng mùa có tiếng chiêng thêm vui thôn xóm. Cứ như lớp trẻ bây giờ thì mai này lấy ai đánh chiêng. Mình và trưởng thôn từng vài lần lên kế hoạch để truyền dạy cho lớp trẻ nhưng vẫn chưa có nhiều người học đánh chiêng”, già làng K’Mẻo lo lắng.
Biểu diễn cồng chiêng là đam mê từ thuở nhỏ, qua các buổi biểu diễn tôi muốn giới thiệu với nhiều người biết về văn hóa của dân tộc mình. Trong nhà tôi hiện nay có 10 bộ chiêng quý, tôi luôn trân trọng như là báu vật, mỗi bộ chiêng đều gắn với nhiều câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ”. Già làng K’Mẻo
XUÂN HƯỚNG