Zơ Râm Thị Thon tâm sự, khi còn nhỏ, cô đã thấy nhiều bà con làng Công Năng đến nhà mua nhiều sản phẩm do mẹ dệt. Mẹ của Thon là bà Hiên Thị Nhang là một nghệ nhân dệt thổ cẩm tài hoa của người Ve (nhóm địa phương của dân tộc Giẻ Triêng), nhưng khi Thon gần 10 tuổi thì mẹ qua đời. Ước mơ được ngồi cùng với mẹ dệt thổ cẩm ở nhà sàn tràn ngập nắng không còn nữa.
Sau này lớn lên, mỗi dịp đi lễ hội cùng anh trai, được ngắm nhìn các cô, bác mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình với những hoa văn tinh tế khiến Zơ Râm Thị Thon mê mẩn. Thế rồi Thon quyết định đến nhà chị Kring Thị Viết (59 tuổi) cùng thôn ngỏ ý xin được chị truyền dạy cho nghề dệt thổ cẩm. Được chị Viết nhận lời hướng dẫn, giúp đỡ, Thon cảm thấy rất vui.
Tuy nhiên, những ngày đầu học nghề, Thon bối rối lắm, lúc thì quên luồn chỉ, lúc nhầm sợi với hoa văn… Chị Viết tỉ mỉ chỉ dạy cho đến khi Thon quen tay, quen việc rồi bắt đầu sáng tạo ra được nhiều kiểu mẫu hoa văn phong phú. Yêu thích thổ cẩm nên đi đâu, thấy váy, áo, chiếc địu, tấm choàng của ai có hoa văn đẹp là Zơ Râm Thị Thon cũng tới xem, hỏi về cách phối chỉ màu trên nền trang phục. Sau đó về nhà tìm cách làm theo cho đến khi thành công mới thôi. Chị Kring Thị Viết chia sẻ, mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng Thon rất yêu nghề. Mỗi khi trong xã, trong huyện tổ chức lễ hội văn hóa là tôi lại động viên cô ấy tham gia trình diễn nghề hoặc hội thi dệt thổ cẩm truyền thống để học hỏi thêm.
Nghề dệt thổ cẩm của người Ve cần sự kiên trì, tỉ mẩn. Để làm ra một chiếc váy, tấm địu trẻ, thường phải mất gần 1 tuần mới xong; một chiếc áo hoặc khố thì mất từ 3- 4 ngày. Còn dệt tấm choàng thì lâu hơn - tùy vào độ dài, ngắn nhưng cũng mất cả tuần mới xong. Giá bán một chiếc áo hiện nay là 350 ngàn đồng, tấm choàng 600 ngàn đồng, tấm địu trẻ em là 300 ngàn đồng, váy từ 500- 700 ngàn đồng, khố có giá khoảng 800 ngàn đồng. Vậy nhưng trong giá thành đó, tiền mua sợi chỉ, mua len đã chiếm hơn một nửa.
Zơ Râm Thị Thon trải lòng: “Đôi khi vì yêu nghề dệt mà em ngồi nhiều nên bị đau lưng. Nhưng ngày nào không ngồi vào khung dệt thì cảm thấy rất nhớ, thấy bứt rứt khó chịu. Khi dệt hoàn thành một tấm thổ cẩm với hoa văn đẹp mắt, em cảm thấy rất vui. Đây cũng là động lực để em luôn cảm thấy yêu nghề truyền thống của dân tộc mình”.
Khi đề cập đến việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm tại địa phương, chị Hiên Thị Bưng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đắc Pring cho biết: Zơ Râm Thị Thon vừa đảm nhiệm Chi hội Phụ nữ thôn 49b. Bằng tình yêu và lòng đam mê, chị Thon đang tiếp tục phát huy nghề dệt thổ cẩm, sáng tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Ve. Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở lớp dạy nghề dệt và mời chị Zơ Râm Thị Thon cùng chị Kring Thị Viết đến truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, xã sẽ đưa sản phẩm dệt của chị Thon vào các hội thi văn hoá, văn nghệ do xã, huyện tổ chức để có thể quảng bá sản phẩm thổ cẩm của người Ve với người dân ở nhiều địa phương khác.