Tuy nhiên, phía sau hào quang danh hiệu, vẫn còn đó bao nỗi niềm trăn trở về cuộc sống thường nhật khi phần lớn các nghệ nhân tuổi đời đã cao nhưng vẫn nặng trĩu nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”.
Nỗi niềm bày tỏ cùng ai?Ông Trương Sông Hương, dân tộc Thổ ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An) là một trong số 617 nghệ nhân trong toàn quốc được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT đợt 1 năm 2015. Đón nhận danh hiệu NNƯT kèm theo số tiền thưởng hơn 10 triệu đồng, nghệ nhân Trương Sông Hương dự tính sẽ dành ra chút ít “vốn” làm quỹ dự phòng khi ốm đau sẽ cần đến. Nhưng rồi những khoản “khao” bà con, họ hàng đến chia vui, chúc mừng; khoản chi phí xăng xe, điện thoại, tiếp khách… phát sinh nhiều hơn khi có “tí chút danh hiệu”, vậy là ông không còn dư ra được đồng nào từ khoản tiền thưởng vinh dự.
Nghệ nhân Trương Sông Hương cho biết, từ khi được phong danh hiệu NNƯT, ông chưa được nhận thêm một khoản hỗ trợ nào ngoài 10 triệu đồng tiền thưởng theo quy định của Nhà nước. Từ 11 năm nay, với vai trò Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thổ huyện Quỳ Hợp, ông vẫn miệt mài truyền dạy văn hóa dân gian theo hình thức tự nguyện vì cộng đồng. Đam mê, tâm huyết với văn hóa dân tộc, nghệ nhân Trương Sông Hương chưa bao giờ tính toán thiệt hơn khi bỏ công sức, thời gian và tiền bạc của gia đình để góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản của ông cha. Tuy nhiên hiện nay, khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, ông không còn khả năng lao động sung sức như thời còn trẻ, cuộc sống sinh hoạt theo đó cũng chật vật hơn. Nghệ nhân Sông Hương bày tỏ: “Nhà nước đã có chính sách riêng cho NNƯT có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi rất mong các ban, ngành và chính quyền địa phương sớm nghiên cứu, triển khai để những nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn được hưởng khi họ còn sống. Có như vậy, các nghệ nhân mới có điều kiện yên tâm cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho công tác bảo tồn văn hóa tại địa phương”.
Còn NNƯT Sầm Văn Bình, dân tộc Thái ở xóm Yên Luốm, xã Châu Quang (Quỳ Hợp) thì “tâm tư”: Có một thực tế là sau khi được phong tặng danh hiệu NNƯT, đa phần các nghệ nhân cảm thấy buồn bởi vì bà con trong bản ai cũng nghĩ “được phong tặng NNƯT, chắc là các bác ấy được Nhà nước cho nhiều tiền lắm”. Rồi trong mắt bà con, NNƯT dù gì cũng là người mang danh trí thức trong cộng đồng. Người ta nhìn vào trí thức cộng đồng trong tất cả các việc to, nhỏ. Ai có lương hưu còn đỡ vất vả, không có thì phải cật lực lao động để trang trải các khoản chi phí quan hệ xã hội, cộng đồng. Nỗi niềm NNƯT không biết tỏ bày cho ai thấu!.
Nghệ nhân khó tiếp cận với chính sáchSong song với việc phong tặng danh hiệu NNƯT, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 về việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, nghệ nhân mắc bệnh hiểm nghèo có thêm nguồn trợ cấp hằng tháng. Nghị định 109 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) quy định trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn theo 3 mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng, 800.000 đồng và 700.000 đồng đối với từng đối tượng. Với mức hỗ trợ này phần nào tạo điều kiện để các nghệ nhân đảm bảo cuộc sống và cống hiến hết mình cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, tính từ thời điểm Nghị định 109 ra đời đến nay đã hơn 2 năm, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai, thực hiện chi trả chế độ, chính sách đãi ngộ cho NNƯT có hoàn cảnh khó khăn. Tại tỉnh Nghệ An, có 39 NNƯT được vinh danh đợt 1 nhưng đến nay chưa nghệ nhân nào được hưởng hỗ trợ theo quy định. Tương tự, tỉnh Đăk Nông có 21 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT đợt 1 nhưng chưa ai được nhận tiền trợ cấp sinh hoạt hằng tháng.
Qua tìm hiểu tại các địa phương cho thấy, nguyên nhân chậm trễ chi trả chế độ trợ cấp cho nghệ nhân là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và ngành Văn hóa. Ở cấp tỉnh, trong khi Sở Lao động Thương binh-Xã hội là đơn vị trực tiếp chi trả chế độ trợ cấp sinh hoạt hằng tháng cho NNƯT thì lại không quản lý hồ sơ nghệ nhân. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý hồ sơ nghệ nhân lại không được giao quyền chi trả chế độ.
Ở cấp huyện, nhiều cán bộ ngành Văn hóa vẫn chưa biết “mặt mũi” Nghị định 109, còn cán bộ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội lại không biết địa phương mình có bao nhiêu NNƯT trong diện được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng. Từ sự nhập nhằng, thiếu trách nhiệm giữa hai bên liên quan dẫn đến tình cảnh các nghệ nhân khó khăn cứ… dài cổ chờ chính sách hỗ trợ.
Ở cấp huyện, nhiều cán bộ ngành Văn hóa vẫn chưa biết “mặt mũi” Nghị định 109, còn cán bộ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội lại không biết địa phương mình có bao nhiêu NNƯT trong diện được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng. Từ sự nhập nhằng, thiếu trách nhiệm giữa hai bên liên quan dẫn đến tình cảnh các nghệ nhân khó khăn cứ… dài cổ chờ chính sách hỗ trợ.
NGỌC ÁNH