Năm 2011, UBND tỉnh Ninh Bình triển khai xây dựng Dự án Trường Đại học Hoa Lư, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô hơn 25ha, sử dụng đất thu hồi trên địa bàn xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình; dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Tuy nhiên, dự án mới hình thành một số hạng mục xây dựng cơ bản, như căn nhà thô 10 tầng, móng đổ bê tông, cốt thép, cổng, tường rào và sau đó bị bỏ hoang, phơi mưa, phơi nắng, xuống cấp, trở thành bãi chăn thả gia súc, gia cầm, gây lãng phí ngân sách Nhà nước và bức xúc cho người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất rộng 25ha đã được san lấp mặt bằng và xây tường rào xung quanh. Phần thô của khu hiệu bộ cao 9 tầng đã hoàn thành, khu giảng đường A, B đã hoàn thành phần móng và đổ cột tầng 1, khu nhà thư viện đã hoàn thành phần sàn tầng 1...
Người dân ở TP. Ninh Bình cho rằng, việc dự án bỏ hoang hàng chục ha đất là quá lãng phí tiền của Nhà nước và Nhân dân, trong khi còn hàng nghìn sinh viên phải thuê nhà, mà dự án bỏ hoang không ai xót. Câu hỏi đặt ra là, ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để một công trình nghìn tỷ bị bỏ hoang hơn 10 năm?
Tại tỉnh Ninh Bình, không chỉ Dự án Đại học Hoa Lư, mà còn rất nhiều các công trình khác đặc biệt là các trụ ở công bị bỏ hoang xuống cấp nghiêm trọng tại các khu đất vàng mà Báo Dân tộc và Phát triển đã điểm tên trên bài viết “Ninh Bình nhiều trụ sở công bị bỏ hoang”!
Về Dự án xây dựng Trường Đại học Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, bị bỏ hoang hơn chục năm nay, khiến người dân bức xúc. Và đã được rất nhiều cơ quan báo chí, truyền thông “điểm tên”.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt điều chỉnh và bổ sung Dự án Đại học Hoa Lư nhằm đảm bảo đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, tuân thủ quy định chuẩn quốc gia về giáo dục đại học, đồng thời đáp ứng mục tiêu quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, quy mô đầu tư xây dựng đã được điều chỉnh và bổ sung cụ thể, bao gồm giảm diện tích dự án từ 25,2ha xuống còn 17,3ha và điều chỉnh các hạng mục khác như hội trường, tổ hợp thư viện-y tế-nhà ăn, giảng đường A, B, xưởng thực hành, nhà thi đấu, sân thể dục thể thao, cổng, tường rào, nhà bảo vệ, bãi đỗ xe, khu quảng trường…Nguồn tài chính của Dự án Trường Đại học Hoa Lư bao gồm, ngân sách Trung ương, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh Ninh Bình.
Chủ đầu tư của Dự án là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp Ninh Bình. Hiện Chủ đầu tư đã thông báo cho nhà thầu và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thi công những hạng mục chưa hoàn thành. Các hạng mục mới và chưa thi công đang được hoàn thiện thủ tục để tổ chức đấu thầu, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Dự án Trường Đại học Hoa Lư là một trong những công trình cũ, do không thể thực hiện được nên đã cắt giảm nhiều hạng mục với trước đó. Trên cơ sở đề án của nhà trường, chúng tôi điều chỉnh lại dự án nhằm đảm bảo tính pháp lý. Cụ thể là mất 2 năm tư vấn pháp lý mới triển khai được. Sau khi điều chỉnh có cắt giảm kinh phí so với ban đầu, phấn đấu hạng mục xây dựng đến năm 2025 sẽ hoàn thiện.