Làng Nam Ô xa xưa gồm 2 ấp Thuận Hóa, Hải Hóa; sau năm 1975 chia thành Nam Ô 1, Nam Ô 2. Nam Ô 1 còn gọi là Xóm Quán bởi nơi này từ xưa đã có quán và chợ, rất thuận nghề buôn bán. Nam Ô 2 còn gọi là Xóm Biển, xóm này lại được chia 2 xóm nhỏ: Xóm Lăng ở gần Lăng Ngư Ông và Xóm Đình ở gần đình làng (hồi xưa đình làng tọa lạc ở đây, nay tuy đã dời đi nơi khác nhưng dân gian vẫn gọi như vậy). Ngày nay, Xóm Đình còn gọi là Xóm Gành vì ở gần gành đá Nam Ô, quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng), người dân rất giỏi nghề khai thác các sản vật sinh ra từ gành đá.
Xóm Gành xưa có vài ba chục hộ, chồng theo nghề bủa lưới giăng câu, còn vợ theo nghề khai thác sản vật sinh ra từ gành đá . Không chỉ gành đá Nam Ô quê nhà mà dọc theo các gành đá từ Sơn Trà phía Đông đến Hải Vân phía Tây, nơi nào cũng có dấu chân của họ. Họ là những phụ nữ rắn rỏi, lanh lẹ, giỏi nhảy từ hòn đá lởm chởm này qua hòn đá chênh vênh kia. Họ còn ngâm mình hằng giờ trong nước biển, lặn lội như những con rái cá để bắt cua, ốc trú mình dưới các hốc đá sâu dưới biển.
Họ ngồi trên những chiếc thuyền thúng bằng nhôm có máy đẩy được các ngư dân là các ông chồng dành riêng đưa đón để đến dọc gành đá ở bán đảo Sơn Trà hay Hải Vân. Gành đá Hải Vân có rạn ngầm không sâu và nước ít chảy mạnh lại có sản vật dồi dào như hàu, ốc đá, bào ngư, cua đá, khởi... tất cả có thịt mềm, thơm ngọt hơn các nơi khác vì được sản sinh và bổ sung nguồn thức ăn bổ dưỡng ở vùng có nước chế (nước lợ) đổ về từ các sông, khe, suối.
Những ngày Hè biển lặng sóng yên, họ thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng, tập trung xuống thuyền thúng với các phương tiện hành nghề rất thô sơ: Mỗi người vài túi vải có lận vành sắt để đựng sản phẩm khi thu hoạch dưới biển sâu và đựng sản phẩm khi mang về. Trong bao là những dụng cụ cầm vừa tay như: Xà beng xeo, nạy, xủi, bao (găng) tay, gương lặn... Một chiếc búa nhỏ để khẻ miệng con hàu trên mặt đá, nhíp để gắp thịt hàu vừa mở miệng và chiếc lon có nắp đậy để đựng thịt hàu vừa gắp ra.
Chuẩn bị đâu vào đó, họ lên thuyền đến các gành đá, rải đều từ trong ra ngoài, có người còn muốn đến điểm gành xa hơn.
Đến gành rồi, ai muốn bắt hàu thì chọn những hòn đá bám nhiều hàu rồi lấy búa, nhíp ra “tác nghiệp”. Họ cặm cụi, cần mẫn “săn” hàu dưới ánh nắng hè nóng như nung người, thỉnh thoảng vốc từng bụm nước biển lên vuốt mặt giải nhiệt. Tiếng búa gõ vào hàu, âm thanh tanh tách của chiếc nhíp gắp thịt hàu đều đều êm dịu dồn vào lon đựng và cứ thế hết hòn đá này qua hòn đá khác cho đến khi đầy lon. Qua mấy tiếng đồng hồ từ sáng đến trưa, xem chừng đã đủ. Họ ngừng tay, tìm hốc đá mát nào gần ngồi nghỉ, uống nước chờ thuyền thúng đến đón về bến.
Cùng lúc đó, những người bắt cua, bắt khởi, bắt ốc, nạy bào ngư, khi đến điểm, với đồ nghề trang bị giắt bên lưng, họ nai nịt gọn gàng làm một pha nhào xuống biển như những nữ đặc công nước. Trong nước biển mát lạnh buổi sáng, họ đeo gương lặn, lội dọc gành soi, tìm. Qua gương lặn, cảnh vật dưới nước diễn ra trong mắt họ như thủy cung huyền ảo mà họ từng xem trong màn ảnh nhỏ tivi. Không có con vật nào thoát khỏi tay họ nếu lỡ để họ nhìn thấy.
Trên tầng biển mặt, những con khởi bò bên hốc đá định chạy trốn thì... xong ngay, có bàn tay bắt bỏ vào bao. Những con cua đá lấp ló dưới chân gành cũng cùng chung số phận. Ốc cay tụ thành nhóm; ốc dầm, ốc kẽm, ốc bướm lai rai trên mặt đá rạn sâu cũng bị lùa vào bao nằm nghỉ.
Một lát, xem ra chiếc bao đựng đã phình to và nặng làm vướng cản khó bề lặn xuống sâu hơn, những con rái cá cái ấy đã ra vẻ thấm mệt và lạnh, lại ngóc đầu lên thở và leo lên đá gành thay bao chứa, để tiếp tục cho cuốc lặn sau. Họ uống một ngụm nước mắm nguyên chất cho tăng thêm nhiệt lượng trước khi tiếp tục nhào lặn xuống biển, lần này như muốn mở rộng tầm hoạt động hơn.
Đúng vậy! Họ lặn xuống sâu hơn, xuống sát chân rạn là “sào huyệt” của những con bào ngư sản sinh trú ngụ. Họ dùng xà beng xúc, nạy, xủi... từng con bào ngư bám sát trên những hòn đá dưới rạn sâu lẫn trong bùn lắng. Chúng đầu hàng, rời mặt đá, từ giã nơi trú ngụ, lần lượt được những “bàn tay rái cá” thu gom cho vào bao… cơm áo.
Thoạt nhìn những “nữ tướng Yết Kiêu” lanh lẹ ấy, tưởng còn trẻ lắm. Thật bất ngờ khi biết ai cũng ngót nghét 40 - 50 tuổi. Như bà Đặng Thị Kế, 1 trong số 7 người còn làm nghề ở Xóm Gành. Sinh ra trong một gia đình 3 đời làm nghề, bà nói: “Ông bà, cha mẹ sống ở Xóm Gành nên phải bám gành mà sống. Hồi xưa ốc vẹm đầy gành, các cụ chỉ cần ướt cái áo, ráo cái quần là đầy bao, đầy đãy. Chừ đồ biển ngày một hiếm, phải lặn sâu mới lo được chén cơm, con chữ cho con. May là mấy thứ đó chừ có giá nên cũng trang trải được cuộc sống”.
Qua một buổi sáng ngâm mình lặn biển, lội nước, dang nắng, bà Kế theo bạn nghề lần lượt xuống thuyền thúng quay về. Đến bến, sản vật của biển được phân loại, rửa sạch. Những ốc, khởi được luộc chín. Những cua đá, hàu sữa, bào ngư thì để tươi sống, được mang ra chợ hoặc gởi đến các quán ăn, nhà hàng trong khu vực.
Ai đã từng vào các nhà hàng đặc sản ấy, không thể không chọn món chế biến từ đồ biển Xóm Gành. Chúng không những đậm đà hương vị biển dã tươi ngon mà còn thấm đậm hình ảnh của những “cánh cò” lặn lội giữa ngày hè để mang về cho nhân gian cái sự khoái khẩu./.