Mưu sinh trong hiểm nguy
Chúng tôi có mặt tại làng chẻ đá thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn) trong cái nắng đầu mùa hè hừng hực như đổ lửa, nhưng hàng trăm lao động, trong đó có nhiều lao động nữ vẫn tất bật làm việc trong khói bụi mịt mù. Bên cạnh sông Cô Tô, là hàng chục chiếc tàu đang đợi hàng để xuất bến đi giao hàng ở khắp Đồng bằng sông Cửu Long.
Chị Neáng Xuon, dân tộc Khmer tâm sự: “Lao động mùa nắng tuy cực nhọc nhưng thu nhập khá hơn, bởi khi mưa dầm, mình phải căng lều bạt rồi vào trong lều chẻ đá, bất tiện lắm. Năm nay chủ cơ sở thuê mình làm nhiều hơn các năm trước do đơn đặt hàng rất nhiều”.
Theo lời chị Xuon, đàn ông hay phụ nữ đều có thể làm nghề chẻ đá. Nếu như đàn ông có lợi thế về sức khỏe thì đàn bà lại “nhỉnh” hơn về độ khéo léo khi xử lý những tảng đá “khó tính” đòi hỏi kỹ thuật cao. Về tiền công thì mỗi lao động được trả từ 300.000 đến 400.000 đồng/người/ngày, nếu tăng ca sẽ có thu nhập nhiều hơn. Chỉ riêng làng chẻ đá Cô Tô đã có hơn 100 lao động nữ làm việc mỗi ngày, đi cùng với rất nhiều nguy hiểm về tai nạn lao động, các bệnh lý về phổi, mắt, tai, xương khớp.
Chị Thị Sánh, ngụ tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn buồn bã kể: “Trước đây, chồng tôi làm nghề này và bị bụi đá bay vào mắt trái. Hồi đầu tưởng không sao nên cứ mua thuốc nhỏ, sau bệnh quá nặng đi lên TP. Long Xuyên khám, bác sĩ nói phải bỏ con mắt vì không thể cứu được. Vậy là phải bỏ nghề. Tôi lại thay thế “ổng” làm công việc này để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và lo cho 2 đứa con đang học đại học ở Cần Thơ. Mình có đất đai gì đâu, chữ nghĩa không rành, thôi thì tới đâu hay đó!”.
Tại làng chẻ đá thị trấn Cô Tô, hộ làm nghề lâu nhất tại đây đã trên 60 năm, hộ ít nhất cũng trên 20 năm theo phương thức người đi trước hướng dẫn cho người đi sau. Đa phần chị em là người Chăm, Khmer từ các địa phương khác nhau đến đây lập nghiệp. Họ thường dựng lều bạt để ăn nghỉ cạnh các công trường để không phải mất thời gian đi lại và chấp nhận việc hít phải khói bụi suốt cả đêm ngày.
Cần có những giải pháp bảo vệ người lao động
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều người lao động, đặc biệt là nữ giới không được các chủ cơ sở mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động . Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, thì đa phần người lao động phải gánh chịu một mình hoặc chỉ được chủ thuê hỗ trợ chút ít tiền.
Chị Thị Cha Ra, ngụ tại xã Núi Tô, huyện Tri Tôn kể: “Đa phần các chủ thuê lao động lách luật bằng cách thuê theo thời vụ, để không phải ký hợp đồng với người lao động. Nếu xảy ra tai nạn hay bệnh nghề nghiệp thì mình phải tự lo. Biết vậy là không công bằng nhưng nếu mình thắc mắc, có ý kiến là họ cho thôi việc ngay, mình lấy gì mà sống”.
Chị Cha Ra còn thông tin thêm, đã có hàng chục người bị hư mắt vì sạn đá vôi bay vào, một số khác bị máy cắt đá gây thương tật, nhẹ nhất cũng bị suy hô hấp vì bụi đá bám đầy phổi. Nghề này nếu trang bị đầy đủ kính chống bụi đá, khẩu trang, ủng, găng tay thì rất khó thao tác. Mà cũng chưa thấy cơ quan nào đến kiểm tra sức khỏe, bắt buộc chủ phải trang bị đầy đủ cho người lao động bao giờ.
Nhiều phụ nữ chẻ đá cho biết, hiện nay, nhiều máy móc hiện đại có thể cắt đá dễ dàng thay cho sức người, nhưng giá của những lưỡi cắt khá đắt, lại dễ gãy khi gặp đá cứng nên họ ít khi dùng đến. Xu hướng người mua lại rất thích mua những tảng đá trang trí, những bộ cột đá vôi có đường cắt chênh vênh không thẳng hàng, từ đó họ ưa chuộng những sản phẩm phải được chẻ, đục, đẽo bằng phương pháp thủ công. Đầu tiên phải chẻ chúng bằng các lưỡi cưa máy cho nhỏ ra, sau đó tiến hành đục, chẻ bằng nêm sắt theo kích thước đã định trước.
Xem ra việc chuyển đổi việc làm cho phụ nữ chẻ đá vùng biên giới của tỉnh An Giang vẫn còn lắm gian nan, đồng nghĩa họ vẫn đang “sống chung với đá” và chưa biết đến bao giờ mới không còn phải đối phó với bao hiểm họa đang rình rập, tiềm ẩn xung quanh.