“Ông đỡ” của bản
Trong chuyến công tác lên thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, tôi có dịp gặp gỡ và chuyện trò với anh Vàng A Sùng, một cán bộ mẫn cán với công tác y tế thôn bản suốt gần 20 năm qua. Điều hết sức thú vị, ở vị trí công việc phù hợp hơn với phụ nữ thì anh Sùng lại đảm đương tốt, thậm chí là có nhiều thành tích xuất sắc mà không phải ai cũng đạt được.
Thôn Ngải Thầu Thượng có 100% dân số là người Mông, địa hình đồi núi chia cắt, hiểm trở. Hầu hết người dân là hộ nghèo, nhiều hủ tục còn duy trì. Khi ốm đau, đồng bào chỉ mời thầy mo, thầy cúng về đuổi ma, trừ tà để chữa bệnh chứ không đến trạm y tế thăm khám, lấy thuốc. Tỷ lệ thai phụ sinh đẻ tại nhà cao, muốn thông báo tiêm chủng hoặc hướng dẫn những dịch vụ y tế, phải đi mất cả ngày trời mới đến được mấy chục hộ dân… Vì vậy, để xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống, nếp nghĩ người dân nơi đây phải rất bền bỉ, kiên trì.
Anh Vàng A Sùng chia sẻ: “Thực hiện phương châm “mưa dầm thấm sâu”, tôi đến từng nhà để tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ ra trạm xá khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván và “vượt cạn” an toàn tại cơ sở y tế. Rồi vận động đưa trẻ đi tiêm chủng, vệ sinh làng bản… Đôi khi chấp nhận cả những lời nói khó nghe, chỉ mong sao bà con thay đổi được tư duy để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn”.
Đã nhiều lần anh muốn dừng lại, không làm y tế thôn bản nữa vì vất vả, người dân lại không hiểu mình. Nhưng trăn trở, nặng lòng với cuộc sống khó khăn của người dân nên anh đã kiên trì giúp bà con thay đổi nhận thức, tiếp cận những kiến thức mới. Và nỗ lực của anh cũng được đền đáp khi tình trạng sinh con tại nhà đã giảm mạnh, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng luôn đạt trên 90%.
“Cánh tay nối dài” của ngành Y tế
Cũng như anh Sùng, chị Lầu Thị Xua đảm trách công tác y tế ở chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Nhiều năm qua, chị đã mạnh dạn vận động mọi người thực hiện quyền bình đẳng giới cho phụ nữ người DTTS tại địa phương. Bởi hơn ai hết, chị thấu hiểu khi người phụ nữ có quyền bình đẳng rồi, họ sẽ chủ động hơn trong vấn đề hôn nhân, sinh đẻ và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Mang tư tưởng tiến bộ như vậy, nhưng trong gần 10 năm làm cán bộ y tế thôn Tả Tà Lé, xã Trung Lèng Hồ, chị Xua đã nhiều lần rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” với nhiều kiểu lý sự: “Đông con nhà mới vui”, “ông trời bắt đẻ ấy chứ, vợ chồng tôi có muốn đâu”, “con tôi sinh ra, tôi nuôi, có ai nuôi giúp tôi đâu nên tôi sinh bao nhiêu đứa đó là quyền của tôi”...
Trong muôn vàn những khó khăn, vất vả đó, chị Xua vẫn luôn có những giải pháp tối ưu nhất để hoàn thành công việc của mình. Nhờ đó, chất lượng dân số của thôn Tả Tà Lé không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Trong gần 5 năm qua, chị đã đỡ đẻ tại nhà cho nhiều chị em, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho hàng trăm phụ nữ trong thôn; 100% trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng đầy đủ; không để xảy ra trường hợp nào thai phụ, sản phụ tử vong… Cô đỡ thôn bản Lầu Thị Xua đã trở thành “cánh tay nối dài” trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại xã khó khăn Trung Lèng Hồ.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 1.192 cán bộ y tế thôn bản và 144 cô đỡ thôn bản. Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng họ luôn hăng say, nhiệt tình với công việc và hơn hết là tấm lòng đối với người dân vùng cao. Những cán bộ y tế thôn bản được ví như “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, họ đang từng ngày nỗ lực cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân.