Hoạt động chiêm bái Xá lợi Đức Phật thu hút sự quan tâm của rất đông người dân, phật tử trong và ngoài nướcHoạt động chiêm bái Xá lợi Đức Phật (bảo vật quốc gia Ấn Độ) là một trong những hoạt động nổi bật, tiêu biểu trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc lần thứ 20 năm 2025; và đang diễn ra tại chùa Thanh Tâm từ ngày 03-08/5/2025 (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), thu hút sự quan tâm của rất đông người dân, phật tử trong và ngoài nước.
Ban Tổ chức thông báo, không thu, nhận bất kỳ chi phí nào đối với người đến chiêm bái, không tiếp nhận vòng hoa, lễ phẩm cúng dường. Cùng với đó, người vào chiêm bái phải tuân thủ hướng dẫn; không được chạy, đi tắt qua dòng người đang di chuyển; tuyệt đối giữ im lặng; không tự ý chụp ảnh, quay phim bên trong nơi tôn trí Xá lợi.
Người đến chiêm bái không mang theo các vật dụng cá nhân như điện thoại di động, máy ảnh, máy quay phim hoặc vũ khí, chất nổ, đồ ăn, thức uống, các vật dụng có thể làm mất trật tự hoặc ảnh hưởng đến sự an toàn và trang nghiêm.
Đặc biệt, trẻ em dưới 2 tuổi, người sức khỏe không đảm bảo hoặc người có hành vi, trang phục không phù hợp sẽ không được tiếp đón vào nơi tôn trí Xá lợi Đức Phật.
Để đảm bảo an ninh, an toàn và nhất là sức khỏe, khuyến cáo người dân cần trang bị nón, dù che nắng, đủ nước uống, quạt cầm tay...
Do quãng đường đi bộ để có thể tới được cổng chính của chùa dài khoảng 2km nên người dân cần tuân theo hướng dẫn, quy định của Ban Tổ chức, đồng thời cần đảm bảo sức khỏe cho bản thân để không làm giảm đi sự hào hứng và lòng thành kính của người dân.
Xá lợi Đức Phật (bảo vật quốc gia của Ấn Độ) được đặt trong tháp mạ vàngTrao đổi với báo chí, Thượng toạ Thích Nhật Từ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, Phó Tổng Thư ký Thường trực Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak 2025, cho biết: Để chuẩn bị cho sự kiện, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã làm việc 3 lần với Chính phủ Ấn Độ, tổ chức tiền trạm để đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối và hiện nay tất cả các tiêu chí an ninh an toàn đã đạt yêu cầu và được phía nước bạn xác nhận.
Sau khi tôn trí tại chùa Thanh Tâm, Xá lợi Đức Phật sẽ tiếp tục được tôn trí và tổ chức cho người dân, phật tử đến chiêm bái tại Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) từ ngày 09-13/5/2025; từ ngày 14-16/5/2025 tại Chùa Quán Sứ (Hà Nội) và từ ngày 17-21/5/2025 tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam). Sau đó, Xá lợi Đức Phật sẽ quay trở lại Ấn Độ.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, người dân, phật tử khi tới chiêm bái Xá lợi Đức Phật nên đi tập thể, xe bus cỡ lớn và không nên đi xe cá nhân vì như vậy sẽ gây ra ách tắc giao thông.
“Khi có mặt tại công viên Láng Le tiếp giáp với chùa Thanh Tâm cũng không nên quá vội vã mà hãy xếp hàng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức, tuân thủ nội quy để việc chiêm bái được nhanh chóng, an toàn, trang nghiêm vì đó là phúc duyên rất lớn của chúng ta, vì thế hãy tuân thủ tuyệt đối”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.
Trong ngày 06/5/2025, để đảm bảo an ninh an toàn cho Lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025, việc chiêm bái Xá lợi Đức Phật (báu vật quốc gia Ấn Độ) tại chùa Thanh Tâm sẽ hạn chế đối với người dân, Phật tử. Do đó, rất mong quý phật tử, bà con tuân thủ theo sự hướng dẫn của lực lượng chức năng để việc tham quan, chiêm bái Xá lợi Đức Phật được diễn ra thuận lợi, an toàn trong khu vực diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc 2025.
Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 do Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng tổ chức.
Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức, sau thành công trong việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (TP. Hà Nội) năm 2008, tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) năm 2014, tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) năm 2019.
Thời gian tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc 2025 từ ngày 06 – 08/5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh (cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh). Chủ đề chính của Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc 2025 là "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững". Sự kiện có sự tham dự của đại biểu đến từ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ.