Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Là đội ngũ y, bác sĩ, chúng tôi hiểu hơn ai hết nỗi lo của xã hội khi có dịch. Đây là cuộc chiến dài ngày và ngành Y tế là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch. Đối với đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường cho hai Bệnh viện dã chiến của tỉnh Quảng Ninh, ai cũng trong tâm lý sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao”.
Với hai Bệnh viện dã chiến (TP. Móng Cái và Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng chỉ trong ít ngày ngắn ngủi, tổng số 1.000 giường bệnh và mức đầu tư kinh phí lên đến 138 tỷ đồng. Các trang thiết bị bao gồm 19 máy đo thân nhiệt, 194 máy thở, 14 máy siêu lọc máu, 1,1 triệu khẩu trang y tế, 2.740 khẩu trang N95, 2.548 bộ quần áo chống dịch… cùng nhiều trang thiết bị y tế khác và khi cần thiết có thể phục vụ 2.000 bệnh nhân điều trị dài ngày. Để sẵn sàng với mọi tình huống, gần 300 y, bác sĩ, nhân viên y tế đã được tăng cường, lên đường nhận nhiệm vụ. Đối với bất kể ai lên đường cũng đều hiểu rằng, chỉ khi dịch được kiểm soát mới có thể trở về bên gia đình, người thân.
Nhớ lại lúc nhận nhiệm vụ lên đường, điều dưỡng Vũ Đức Duy, Khoa Hồi sức cấp cứu chia sẻ: “Khi được nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ, tôi chỉ kịp gọi điện về thông báo và dặn vợ con đôi ba điều về tình hình dịch bệnh, trang bị vài bộ quần áo rồi đi. Lúc ấy, tôi mong nhất là tình hình dịch bệnh không nghiêm trọng, trong tầm kiểm soát để khống chế tốt dịch trên địa bàn tỉnh”.
Nhận nhiệm vụ đón người dân ở TP. Vũ Hán (Trung Quốc) trở về Việt Nam vào sáng sớm ngày 10/2, là nhiệm vụ khó quên đối với lực lượng y tế tại Quảng Ninh. “Suốt cả đêm hôm ấy, tất cả lực lượng trực đón đều không ai ngủ được, ai cũng khoác lên mình bộ đồ phòng hộ. Quá trình 35 năm công tác của tôi, trải qua nhiều chuyện, nhưng chưa bao giờ tôi hồi hộp đến vậy. Khi thấy máy bay hạ cánh, đón được đồng bào mình về nước, họ hò reo vang lên “đất mẹ, sống rồi”. Nhìn thấy cháu bé ngủ ngon trong vòng tay mẹ, tôi thật sự không khỏi run lên vì xúc động”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Trở về với gia đình sau thời gian cách ly 14 ngày, chị Nông Thị Ng. Cảm động nói: “Trong quá trình cách ly, tôi luôn được các y, bác sĩ chăm sóc nhiệt tình, chu đáo, dặn dò cách chăm sóc, theo dõi sức khỏe khi về nhà. Được về với gia đình tôi mừng lắm, nhưng các bác sĩ vẫn phải ở lại tiếp tục chăm lo những người khác, tôi chỉ mong sớm hết dịch để mọi người sớm được về với gia đình”.
Những y, bác sĩ đã thật sự trở thành “chiến sĩ” khi đặt vấn đề xã hội lên trên gia đình, bản thân, để bước chân vào mặt trận phòng dịch. Trong cuộc chiến này, những kết quả xét nghiệm âm tính đối với các bệnh nhân sẽ là những phần thưởng lớn nhất đối với đội ngũ y, bác sĩ.