Doanh nghiệp cần “A”, trường dạy “B”Theo thống kê, hiện cả nước có 1.974 cơ sở GDNN; trong đó có 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề, còn lại là các cơ sở có tham gia dạy nghề. Số lượng cơ sở GDNN đông đảo là vậy nhưng lượng học viên tham gia học nghề rất ít.
Tại Hội nghị với các trường nghề khu vực phía Bắc, đánh giá công tác tuyển sinh, giải quyết việc làm năm 2017, phương hướng năm 2018 được tổ chức ngày 02/4 vừa qua, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã đưa ra số liệu: Trình độ cao đẳng và trung cấp nghề, thực tế mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Con số này ở trình độ sơ cấp còn thấp hơn nhiều. Năm 2017, trường nghề ở 8 tỉnh, thành tuyển sinh chưa được 100 chỉ tiêu cao đẳng, trong đó có 3 tỉnh không tuyển được ai học cao đẳng nghề (Cao Bằng, Lai Châu, Đăk Nông).
Một thực trạng lâu nay trong đào tạo nghề ở nước ta là thiếu sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, dẫn đến đào tạo không đúng nhu cầu. Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) Vũ Xuân Hùng cho rằng, tình trạng thất nghiệp của các học viên trường nghề hiện nay không hẳn là vì kém chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Thực tế, giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp đang lệch nhau trong công tác đào tạo; Trường dạy A, doanh nghiệp lại cần B. Trường không biết doanh nghiệp cần gì vì không tiếp cận được chủ lao động. Hai bên khó bắt tay nhau.
Cần thêm chất keo kết dínhTrên thực tế, việc cơ sở GDNN “bắt tay” với doanh nghiệp không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên hiện vẫn rất lỏng lẻo.
Số liệu tại Hội thảo hợp tác Việt Nam-Anh Quốc trong giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tổ chức ngày 17/1/2018 cho thấy, phía doanh nghiệp, việc hợp tác thường xuyên chỉ ở mức 12,3%, còn lại là không hoặc thỉnh thoảng hợp tác. Còn từ phía các trường, tỷ lệ hợp tác từ thường xuyên, thỉnh thoảng đến không lần lượt chiếm 32,8%, 60,3% và 6,9%. Hình thức hợp tác chủ yếu là doanh nghiệp tiếp nhận và hướng dẫn học viên trong quá trình thực tập.
Chiến lược dạy nghề thời kỳ 2011-2020 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; gắn dạy nghề với giải quyết việc làm… Đây rõ ràng là một mục tiêu không dễ thực hiện trong bối cảnh quan hệ giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp vẫn còn rất lỏng lẻo.
Chính bởi vậy, hơn lúc nào hết, các cơ sở GDNN phải coi tuyển sinh chỉ là phần ngọn; phần gốc chính là đầu ra, cụ thể là việc làm. Từ nay đến năm 2020, các trường nghề phải theo cơ chế tự chủ, thay vì tuyển sinh bao nhiêu, đào tạo bấy nhiêu, các trường cần xem thị trường cần gì, từ đó thiết kế lại chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, kết hợp với doanh nghiệp để tuyển sinh, khi đó mới đảm bảo có người học và sinh viên, học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, để gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp với chiến lược dạy nghề, rõ ràng cần có thêm những cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp. Trước mắt , có thể là hỗ trợ về thuế và các ưu đãi khác cho những doanh nghiệp đào tạo nhiều lao động. Căn cơ hơn, GDNN cần hướng tới một sự đa dạng hóa các hình thức hợp tác về xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo; tổ chức ký kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đây sẽ là lời giải cho bài toán giải quyết việc làm trong đào tạo nghề.
Lâu nay nhiều trường cao đẳng, trung cấp vẫn còn thụ động, liên kết với doanh nghiệp nhưng không biết doanh nghiệp cần gì, muốn gì. Trái lại, cũng có không ít doanh nghiệp chỉ coi việc liên kết với nhà trường là hoạt động phong trào, thành tích...”Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy-Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp
SỸ HÀO