Quốc hội vừa kết thúc 1 tuần làm việc. Một khối lượng lớn công việc được xem xét, xử lý và thông qua. Đáng chú ý, trong tuần, Quốc hội đã hoàn thành chương trình chất vấn và trả lời chất vấn; Góp ý dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.
Hội trường Diên Hồng trong những ngày đầu tuần, Quốc hội sôi động với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Được coi như một "cuộc sát hạch" cuối nhiệm kỳ, với tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, nhiều vấn đề nóng bỏng của thực tiễn cuộc sống được các đại biểu đặt lên bàn Nghị sự, chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành.
Dù hiệu quả chất vấn cuối cùng đạt được khác nhau: Có tình huống truy đến cùng vấn đề và sáng tỏ cả về trách nhiệm, giải pháp, có tình huống còn dở dang và phải chờ thời gian trả lời nhưng tinh thần trách nhiệm, sự thẳng thắn, không nể nang, không né tránh của người chất vấn và người trả lời vẫn là điểm chung của mọi cuộc chất vấn.
Như thường lệ nội dung đăng đàn trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thu hút sự quan tâm và chú ý của đại biểu quốc hội và cử tri. Trước vấn đề thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, nhất là tại miền Trung vừa qua, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ ban hành chiến lược ứng phó thiên tai và đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.
Trước lo lắng của đại biểu về đặt mục tiêu tăng trưởng năm tới 6% sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân đối ngân sách, Thủ tướng đã nêu ra một loạt các giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kể cả ODA. Tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá. Tiết kiệm các khoản chi không cần thiết.
Đánh giá phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau cho rằng: “Nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời nhiều vấn đề sâu, rõ, cụ thể mà đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, chất vấn nêu ra. Không những thế, Thủ tướng còn đưa ra giải pháp khái quát, bao trùm lên quản lý kinh tế xã hội của đất nước. Những ý kiến Đại biểu Quốc hội nêu ra được Thủ tướng rất trân trọng và tiếp thu”.
Trong tuần làm việc, Quốc hội đã thông qua 3 Nghị quyết quan trọng, đó là Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, Quốc hội yêu cầu, Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho các cơ quan, đơn vị tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với năm 2020, kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định. Để đảm bảo kiểm soát bội chi ngân sách thì phần hụt thu ngân sách cần tính vào tiết kiệm chi thường xuyên.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Làm sao để kéo giảm chi thường xuyên thì quan trọng nhất là chúng ta phải tinh gọn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị cũng như bộ máy quản lý nhà nước, không tăng biên chế, ứng dụng công nghệ cao, không tổ chức hội họp nhiều cũng như cắt giảm các khoản chi đi ra đi vào nước ngoài”.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của kỳ họp này là Quốc hội thảo luận về Dự thảo các Văn kiện của Đảng để trình Đại hội XIII. Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá dự thảo Văn kiện được chuẩn bị công phu, khoa học, bám sát vào thực tiễn đất nước thời gian qua; những chủ trương, giải pháp nêu ra rất sát, đúng định hướng, phù hợp với điều kiện thực tại của đất nước. Trong 3 khâu đột phá, các đại biểu nhấn mạnh, nhân lực chất lượng cao, ưu tiên cho lãnh đạo, quản lý, những lĩnh vực trọng yếu.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, đoàn Hải Phòng cần tập trung đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung phát triển hệ thống kết cấu trọng yếu: “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế. Bởi vì trong tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội nếu chúng ta không có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ thì nó sẽ gây khó khăn cho sự kết nối, giao thương và tạo điều kiện cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội phát triển. Chính vì vậy, khâu đột phá chúng ta cần phải quan tâm đó là chúng ta phải tiếp tục quan tâm đầu tư một cách đồng bộ cơ sở hạ tầng liên quan đến lĩnh vực kinh tế-xã hội”.
Trong công tác lập pháp, Quốc hội cũng đã thảo luận 2 dự án luật về lĩnh vực giao thông. Trong đó, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được tách thành 2 Dự án Luật gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bởi trong 2 dự án Luật hiện còn quá nhiều điểm trùng lắp, chồng chéo như: thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm của thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, quy định điểm giao thoa giữa cơ sở dữ liệu xe cơ giới… cần được Chính phủ tiếp tục rà soát.
Cũng trong tuần làm việc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với bà Nguyễn Thị Hồng. Quốc hội cũng phê chuẩn bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao với các ông Trần Hồng Hà, Phạm Quốc Hưng, và Ngô Hồng Phúc./.