Năm 2018, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được những kết quả quan trọng, tôn vinh các giá trị văn hóa, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa-du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch của và đất nước. Thể chế, chính sách trong lĩnh vực di sản văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa.
Đáng chú ý, năm 2018, Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng là công viên thứ 2 tại Việt Nam được UNESCO công nhận là Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu. CVĐC Non Nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc. Nơi đây có địa hình đa dạng, cảnh quan, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm.... Ngoài ra, trong hệ thống công viên địa chất đã tồn tại khoảng 500 triệu năm còn có nhiều khoáng sản, các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản... cũng như nhiều danh thắng nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể Hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, thác Bản Dốc… Hứa hẹn, đây sẽ là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng với đó, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9) và công nhận 22 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 7). Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng 14 di tích quốc gia; đưa 43 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam, Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; thỏa thuận để các tỉnh triển khai xây dựng hồ sơ “Tranh dân gian Đông Hồ” tỉnh Bắc Ninh và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tỉnh Ninh Thuận trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hoàn thiện hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”; xây dựng hồ sơ “Xòe Thái” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tổ chức công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2018.
Song song với lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, công tác xây dựng văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi đặc biệt được chú trọng, đã đạt được những kết quả quan trọng.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc được tổ chức thành công, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể dành cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân, Người có uy tín trong cộng đồng các DTTS. Các tỉnh vùng DTTS thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng mang tính cộng đồng; nhiều địa phương đã triển khai các đề án về bảo tồn phát huy văn hóa các DTTS trên địa bàn như: Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Tuyên Quang, Điện Biên...
Bước sang năm 2019, với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống của ngành văn hóa và những người tâm huyết với văn hóa dân tộc, bức tranh văn hóa Việt Nam sẽ ngày càng sẽ có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát huy tỏa sáng.
HỒNG MINH