Chi sai đối tượng, mục đích
Theo Kết luận số 02/KL-TTBT của Thanh tra tỉnh Bình Thuận, riêng từ năm 2016 đến hết năm 2017, Bệnh viện có xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có nội dung chi hỗ trợ tăng năng suất đối với người có trình độ là Tiến sĩ; bác sĩ và các đối tượng là trưởng phòng, khoa từ quỹ phúc lợi xã hội của Bệnh viện.
Tuy nhiên, quy chế này lại không áp dụng cho các đối tượng khác của Bệnh viện có thành tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác cao, đóng góp nhiều cho việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp đối với việc sử dụng quỹ phúc lợi. Theo đó, Bệnh viện đã thực hiện chi sai cho các đối tượng với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận của thanh tra tỉnh Bình Thuận, BVĐK khu vực La Gi cũng đã chi phụ cấp trách nhiệm công việc với hệ số 0,3 đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và hệ số 0,1 đối với bảo vệ của Bệnh viện là không đúng quy định. Tổng số tiền chi sai này là hơn 110 triệu đồng.
Đồng thời, Bệnh viện chi từ nguồn thu của mình để phụ cấp ưu đãi nghề thường xuyên cho các đối tượng là bác sĩ, hộ lý, y sĩ, điều dưỡng, kế toán…với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng nhưng lại không đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ.
Ngoài ra, BVĐK khu vực La Gi trong suốt thời gian dài đã không thực hiện cấp áo sơ sinh cho trẻ sơ sinh theo quy định tại Quyết định số 355/QĐ-BYT ngày 09/02/2012 của Bộ Y tế, với tổng số tiền là 42.911.000 đồng. Bệnh viện không tự tổ chức cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế Quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện, gây khó khăn cho bệnh nhân khi phải tự tìm mua thuốc ở bên ngoài.
Xé nhỏ để chỉ định thầu
Trong mấy năm gần đây, công tác mua sắm cũng bộc lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, Bệnh viện không phân chia các tài sản thành các gói thầu trên 100.000.000 đồng để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông qua các hình thức đấu thầu rộng rãi để mua sắm mà lại chia lẻ mua sắm theo các hình thức như chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh.
Việc tổ chức mua sắm một số gói thầu thiết bị y tế đơn vị không thành lập tổ chuyên gia đấu thầu, tổ thẩm định để tổ chức thực hiện; Hình thức, nội dung của Hồ sơ yêu cầu chào hàng của một số gói thầu chưa đúng quy định của Nhà nước; Trình tự thủ tục đánh giá lựa chọn nhà thầu không tuân thủ quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT ngày 21/12/2015.
Về mua sắm hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế 18 gói thầu: Tất cả các gói thầu đều không được Giám đốc Bệnh viện ký trên tất cả các trang của bản gốc hồ sơ đề xuất của các nhà thầu là không tuân thủ quy định tại Điều 26 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác xây dựng cơ bản có một số sai phạm như: Chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế-dự toán nhưng không báo cáo cho người quyết định đầu tư. Nhà thầu không mua bảo hiểm cho công trình; nội dung Báo cáo giám sát còn sơ sài, chưa đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định; Công trình chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công, và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình; không có văn bản chấp thuận nghiệm thu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng vẫn đưa vào sử dụng và quyết toán.
Nguyên nhân của hàng loạt sai phạm trên, theo Thanh tra tỉnh Bình Thuận là do lãnh đạo và các thành viên trong bệnh viện thiếu kiểm tra, giám sát. Những người được phân công nhiệm vụ còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức chưa đầy đủ và hiểu chưa đúng chính sách, pháp luật nên thực hiện sai trình tự, thủ tục về đấu thầu, mua sắm công, xây dựng và áp dụng, vận dụng chưa chính xác các quy định về công tác quản lý, thu, chi tài chính.
Trước những sai phạm trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cần có những giải pháp xử lý nghiêm minh đúng người đúng việc. Đồng thời, có các giải pháp lâu dài ổn định tâm lý cán bộ nhân viên đảm bảo cao nhất quyền lợi của bệnh nhân.
HÀ VĂN ĐẠO