Chức năng thủy lợi không được chú trọng
Men theo dòng nước từ quốc lộ 1 B đến chân đập thủy điện Bản Quyền, chúng tôi quan sát thấy nhiều đoạn đất bồi lắng thành các mảnh ruộng nổi lên trên mặt hồ. Trên khoảnh đất này, người dân đang tận dụng cấy lúa. Mặc dù, hồ Bản Quyền có 2 chức năng, nhưng hiện nay, chỉ có chức năng về thủy điện còn chức năng thủy lợi thì gần như không còn.
Thông tin về thực tế này, ông Bành Văn Dân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn cho biết, khi được xây dựng (1968), lưu vực hồ Bản Quyền rộng khoảng 437 ha. Lưu lượng nước của hồ Bản Quyền được khai thác để sản xuất điện, với công suất lắp máy 1100 KW. Ngoài ra, hồ còn phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, diện tích tưới khoảng 80 ha.
Trước năm 2009, hồ Bản Quyền do công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn quản lý, vận hành. Ngày 29/ 4/2009, UBND tỉnh Lạng Sơn chuyển giao công trình hồ Bản Quyền cho doanh nghiệp tư nhân Kim Lan (Sau này là công ty TNHH MTV Thủy điện Bản Quyền) quản lý, theo hình thức bán tài sản, thu hồi vốn cho Nhà nước.Theo quyết định này, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao toàn bộ trạm thủy điện và các công trình thủy lợi cho công ty tư nhân Kim Lan.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm quản lý vận hành, phía công ty Kim Lan chỉ chú trọng vào sản xuất kinh doanh thủy điện, mà không quan tâm tới vận hành chức năng thủy lợi của hồ Bản Quyền.
Theo ông Bành Văn Dân, sau khi nhận được phán ánh của các đơn vị chức năng, UBND huyện Văn Quan đã tiến hành thực địa hồ Bản Quyền. Qua khảo sát cho thấy hiện nay, Công ty Kim Lan chỉ thực hiện sản xuất điện mà không chú trọng thực hiện nhiệm vụ tích nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Các trạm bơm lâu ngày không được sửa chữa, xuống cấp trầm trọng.
Thêm vào đó, nhiều diện tích mặt hồ không được quan tâm cải tạo,. dẫn đến bị bồi lắng nghiêm trọng. Nhiều phần đất hành lang hồ cũng không được bảo vệ dẫn đến người dân tự ý vào cấy lúa, hoa mầu. Cụ thể đối chiếu bản đồ giải thửa 299 thị trấn Văn Quan được lập từ khoảng năm 1988, diện tích đất lòng hồ thủy điện Bản Quyền bị thu hẹp khoảng 11.465 m2.
Từ việc quản lý yếu kém của công ty Kim Lan, dẫn đến chức năng thủy lợi của hồ Bản Quyền bị suy giảm nghiêm trọng. Nếu như trước đây, công suất tưới tiêu của hồ là trên 80 ha, nay hồ chỉ phục vụ được 23,5 ha.
Cần đưa hồ Bản Quyền trở về giá trị ban đầu
Chia sẻ về vấn đề sử dụng và quản lý hồ Bản Quyền không hiệu quả với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển ngày 30/3/2021 vừa qua, bà Hứa Phong Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết, những bất cập trong quản lý lòng hồ thủy điện Bản Quyền là do lịch sử để lại. Quan điểm của địa phương là, bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động thu lợi nhuận, thì cần phải chú trọng đến quyền lợi chính đáng đối với người dân trong vùng.
Do vậy, nếu chỉ giao hồ Bản Quyền cho công ty tư nhân quản lý như hiện nay, sẽ không hiệu quả, nhất là trong việc đảm bảo chức năng thủy lợi. Theo đó, để đảm bảo 2 chức năng của hồ Bản Quyền là phục vụ nông nghiệp và thủy điện, UBND huyện Văn Quan đề nghị, tách 2 chức năng của hồ cho 2 chủ thể quản lý. Đối với chức năng làm thủy điện mang tính thương mại. UBND huyện Văn Quan vẫn đồng thuận với việc, tiếp tục giao đầu mối cho công ty TNHH MTV thủy điện Bản Quyền. Phía Công ty cũng cần tổ chức hoạt động kinh doanh điện và thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với Nhà nước theo quy định.
UBND huyện đề nghị tỉnh Lạng Sơn giao diện tích lòng hồ cho UBND huyện quản lý. Khi đó, huyện sẽ lập dự án để nạo vét lòng hồ (thực hiện phương án thu hồi các diện tích đất hành lang lòng hồ, diện tích đất do bồi lấp dòng chảy hình thành), khơi thông dòng chảy, sửa chữa các công trình thủy lợi, xây dựng phương án sắp xếp các lồng cá, quản lý vệ sinh môi trường lòng hồ…; đảm bảo hồ Bản Quyền phát huy được hiệu quả vốn có từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, phát triển du lịch trên địa bàn.