Nguồn cung dồi dào
Vào thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội, lượng khách đến siêu thị mua sắm khá đông và chủ yếu tập trung ở các gian hàng đồ tươi sống, bánh kẹo, hoa quả. Nguồn cung rau xanh, thịt, cá khá phong phú và đầy đủ. Các gian hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết cũng được trưng bày bắt mắt với mức giá phải chăng.
Năm nay, các mặt hàng Việt Nam cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Người tiêu dùng đánh giá, nguồn hàng Tết được cung cấp tương đối đầy đủ, dồi dào, phần lớn mặt hàng được lựa chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, nhằm đảm bảo nguồn hàng phục vụ mua sắm của người dân Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5-20% theo từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024.
Đặc biệt, TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, đến nay đã có 22 doanh nghiệp bán lẻ cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 10.600 điểm bán và cam kết không tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong quá trình phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Ghi nhận tại siêu thị Go! Thăng Long cho thấy, nguồn cung rau xanh, thịt, cá khá phong phú và đầy đủ. Các gian hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết cũng được trưng bày bắt mắt với mức giá phải chăng.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam (quản lý siêu thị Go! Big C) thông tin, các siêu thị trực thuộc đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh Tết từ rất sớm và dành nhiều ưu đãi giảm giá, chính sách "khóa giá", không tăng giá đối với hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng nhanh từ 6 tuần trước Tết Nguyên đán 2025.
Tại TP. Hồ Chí Minh, để chuẩn bị nguồn hàng cung dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các doanh nghiệp đầu mối TP. Hồ Chí Minh tham gia chương trình bình ổn với nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng và đa dạng kịch bản cung ứng hàng. Trong đó, hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết; sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm từ 25 - 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc; 5.500 tấn thịt gia cầm; 23 triệu quả trứng gia cầm; 1.400 tấn đường; 1.100 tấn dầu ăn; 800 tấn thực phẩm chế biến; 10.000 tấn rau củ quả...
Về giá cả, tại TP. Hồ Chí Minh, nhóm mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng, đồng thời chương trình không điều chỉnh tăng giá trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết.
Bảo đảm cung ứng hàng hoá ở vùng miền núi
Đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 các địa phương cũng chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường.
Nhiều địa phương đã chủ động đôn đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, tham gia chương trình bình ổn, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn...
Năm 2024 là năm Quảng Ninh chịu nhiều ảnh hưởng do bão số 3 (YAGI) gây ra, khiến sức mua bán hàng hoá có lúc giảm mạnh bởi sự thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương, tỉnh, địa phương đến người dân, việc khắc phục hậu quả của bão đã cơ bản hoàn thiện, người dân đã ổn định sản xuất kinh doanh trở lại, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm tăng 14,2% so với năm 2023.
Tại Quảng Ninh, đến thời điểm hiện tại các đơn vị đã trưng bày, giới thiệu hàng hoá phục vụ Tết để người dân và du khách tham quan, lựa chọn mua sắm với tổng lượng hàng hóa tăng khoảng 20% so với dịp cuối năm 2023 và tăng gấp 3 lần so với hàng hóa được bày bán tại thời điểm tháng 10/2024.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, năm 2024 là năm Quảng Ninh chịu nhiều ảnh hưởng do bão số 3 (YAGI) gây ra, khiến sức mua bán hàng hoá có lúc giảm mạnh bởi sự thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương, tỉnh, địa phương đến người dân, việc khắc phục hậu quả của bão đã cơ bản hoàn thiện, người dân đã ổn định sản xuất kinh doanh trở lại, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm tăng 14,2% so với năm 2023.
Hiện toàn tỉnh đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân và khách du lịch trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại một số đơn vị phân phối lớn, như chuỗi cửa hàng Winmart+ dự kiến chuẩn bị khoảng 170 tỷ đồng, siêu thị GO! Hạ Long khoảng 128 tỷ đồng… Đến nay, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhu yếu phẩm, hàng hóa có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết đã được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ cho người tiêu dùng.
Tại Lạng Sơn, để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu vào dịp Tết, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Theo đó Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành nhằm tổ chức hội chợ Xuân, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, tiết kiệm, kịp thời thông tin về thị trường, giá cả, chương trình bình ổn thị trường, điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; kiểm soát thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.
Đặc biệt, được biết, để bảo đảm cung ứng hàng hóa cuối năm Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành sẽ tập trung ngăn chặn hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường tiêu thụ trong dịp Tết.
Với nhiều phương án chuẩn bị kỹ lưỡng của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ được bảo đảm với giá cả bình ổn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.