Từ mong muốn giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao, với tâm nguyện dạy “nét chữ nết người”, để lớp con cháu sống sao cho hợp lẽ, biết lễ nghĩa, có trên có dưới, năm 2014, ông Bàn Văn Chiêu đã mở lớp truyền dạy chữ Hán-Nôm dân tộc Dao tại xóm Dướng, xã Vầy Nưa. Lớp học chữ Hán-Nôm Dao đầu tiên được mở đã thu hút 20 học viên là người địa phương tham gia. Trong số 20 người theo học, đến nay có nhiều người đọc thông, viết thạo chữ Hán-Nôm Dao.
Do có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy từ trước, nên khi mở lớp dạy chữ Dao, ông Bàn Văn Chiêu và các vị cao niên đứng lớp đã được Trung tâm cộng đồng bền vững Hà Nội tập huấn kỹ năng sư phạm và hỗ trợ biên soạn giáo án; Trung tâm Học tập cộng đồng xã Vầy Nưa hỗ trợ 500.000 đồng.
Ông Chiêu cho hay: năm 17 tuổi, ông tham gia giảng dạy tại lớp bình dân học vụ. Năm 1972, ông phục vụ trong quân ngũ, giữ chức Trung đội trưởng, nhưng vẫn tham gia dạy chữ cho nhiều chiến sĩ trong đơn vị. “Trở về địa phương, được sự động viên từ những người đi trước, chúng tôi mở lớp dạy chữ Hán-Nôm Dao tại xóm Dướng với mong muốn xóa mù chữ cho đồng bào mình.”
Biết được thông tin về lớp học, nhiều người dân ở các xóm Dướng, Lau Bai, Mó Nẻ, Trà Quy đã đăng ký và quyết tâm theo học, để sau này truyền dạy lại cho bà con trong xóm và con cháu hiểu về nguồn cội dân tộc; đây cũng là một cách giữ gìn bàn sắc văn hóa truyền thống. Tham gia lớp học, các học viên tự nguyện đóng 50.000 đồng/tháng để hỗ trợ giáo viên và đảm bảo các chi phí sinh hoạt khác. Đồng bào Dao ở Vầy Nưa coi việc học là quan trọng nên rất say sưa, háo hức. Anh Bàn Văn Thanh, 42 tuổi, học viên lớp Hán-Nôm Dao cho biết: “Trước đây tôi chỉ biết nói chứ không biết viết tiếng Dao, được theo học tôi càng thấy chữ của người Dao mình rất hay. Tôi sẽ cố gắng học hỏi để sau này còn truyền dạy cho con cháu; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, ông Bùi Văn Kỳ cho biết: Xóm Dướng có 76 hộ, 377 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao nhưng số người biết đọc, viết được chữ Dao rất ít, nhất là lớp trẻ. Lớp học chữ Hán-Nôm Dao do ông Chiêu và các vị cao niên mở ra đã góp phần xóa mù chữ cho một bộ phận đồng bào Dao nơi đây.
Mỗi tuần, các học viên học một buổi vào sáng Chủ Nhật; dự kiến học trong ba năm thì biết đọc và biết viết chữ Hán-Nôm Dao. Giáo trình học là hai cuốn sách tiếng Dao do các ông Bàn Văn Chiêu, Bàn Văn Thân, Bàn Thanh Sơn, Đặng Văn Hải biên soạn.
Ông Bùi Văn Kỳ Chủ tịch xã Vầy Nưa nhấn mạnh, việc ông Bàn Văn Chiêu và các vị cao niên mở lớp dạy chữ Hán-Nôm Dao là điều rất đáng trân trọng; rất cần được động viên, khuyến khích, nhân rộng; để con em dân tộc Dao yêu thích, trân trọng và gìn giữ văn hóa của cha ông truyền lại.
Theo ông Bàn Văn Chiêu: Nhằm đáp ứng nguyện vọng của bà con dân tộc Dao trong huyện Đà Bắc, từ nhiều năm nay, ông còn cùng các vị cao niên thay nhau đến các xã Tu Lý, Hiền Lương, Cao Sơn, Tân Pheo, Đoàn Kết mở lớp dạy chữ Dao. Sau 4 năm, đã có 8 lớp dạy chữ Dao với hàng trăm học viên tham gia. Mỗi lớp được mở trong thời gian 3 năm, mỗi tuần học một buổi vào ngày Chủ nhật. Học viên cao tuổi nhất đã 60 tuổi, học viên nhỏ nhất mới vừa tròn 10 tuổi. Có người là cán bộ xóm, nông dân, học sinh nhưng tất cả đều có chung một mong muốn hiểu thêm truyền thống, gìn giữ chữ viết dân tộc mình.
Theo ông Bàn Văn Chiêu, học chữ Hán-Nôm Dao đòi hỏi người học phải chịu khó, phải có thời gian để rèn luyện. Ngoài việc dạy ngôn ngữ, chữ viết và văn hoá người Dao, chúng tôi còn giúp học viên hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, đạo lý làm người, hướng thiện, tránh xa điều xấu. Chúng tôi kỳ vọng, thông qua việc học chữ Hán-Nôm Dao còn có thể dạy đồng bào cách làm ăn, dạy cách canh tác, sản xuất theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tuy tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt, nhưng tôi mong tiếp tục được cống hiến cho văn hóa dân tộc mình bằng các lớp dạy chữ Hán-Nôm Dao.
Càng nhiều người tham gia học và biết viết chữ Dao, tôi càng có động lực để cống hiến cho dân tộc mình”.
Lớp học chữ Hán-Nôm Dao do ông Chiêu và các vị cao niên mở ra đã góp phần xóa mù chữ cho một bộ phận đồng bào Dao nơi đây. Mỗi tuần, các học viên học một buổi vào sáng Chủ Nhật; dự kiến học trong ba năm thì biết đọc và biết viết chữ Hán-Nôm Dao. Giáo trình học là hai cuốn sách tiếng Dao do các ông Bàn Văn Chiêu, Bàn Văn Thân, Bàn Thanh Sơn, Đặng Văn Hải biên soạn.” Ông Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa
Minh Thu