Nhiều học sinh phải nghỉ học
Dòng sông Gianh khi chảy qua địa phận xã Thuận Hóa đã chia xã thành 2 vùng, trong đó chia cắt khu vực thôn Thuận Tiến và Xuân Canh với hơn 300 hộ dân thành một vùng biệt lập với bên ngoài.
Để qua lại giao thương, chỉ còn cách duy nhất là người dân phải đi đò máy. Thế nhưng, khi mùa mưa lũ đến, dòng sông dâng cao chảy xiết, trở nên đục ngầu, dữ tợn, không ai dám đi qua. Khi đó, cả thôn bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Ông Trần Văn Hận, Bí thư Chi bộ thôn Thuận Tiến cho biết, thôn Thuận Tiến và Xuân Canh có khoảng 160 học sinh các cấp học, hằng ngày các em qua đò đến trường ở trung tâm của xã để học. Thế nhưng vào mùa mưa lũ, các em phải nghỉ học ở nhà vì nước sông chảy xiết vô cùng nguy hiểm. Nếu mưa lũ cả tháng trời các em cũng phải nghỉ học chừng đó thời gian. Không theo học kịp chương trình, chất lượng học tập đi xuống, nhiều em đã bỏ học.
Ngoài ra, người dân còn nỗi lo lắng khác vào ban đêm, người dân có việc cần đi lại hay trong thôn có người bệnh cấp cứu, bà con phải thuê thuyền vượt sông Gianh với chi phí cao hơn thường ngày rất nhiều.
Thông tin về thực tế khó khăn này, ông Hoàng Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hóa cũng nhấn mạnh, việc không có cầu qua lại đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của người dân. Do giao thông vận chuyển khó khăn nên hàng hóa, nông sản của bà con thường xuyên bị thương lái ép giá. “Năm 2014, có đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải về khảo sát dự định đầu tư cho địa phương một cây cầu treo bắc qua sông Gianh nối thôn Thuận Tiến, Xuân Canh với trung tâm xã. Nhưng sau khi khảo sát xong, Đoàn có nói không thể làm cầu treo rồi đi”, ông Phong cho hay.
Mùa lũ phải uống nước sông
Anh Trần Thanh Bình, ở xã Thuận Hóa cho biết, nhiều năm nay, việc tắm rửa, giặt giũ đến nước nấu ăn đều phải sử dụng nước sông hoặc nước suối chảy qua mương thủy lợi trước nhà. “Dù biết là nước bẩn nhưng không dùng thì chúng tôi không còn cách nào khác. Gia đình phải mua nước bình sử dụng nhưng rất tốn kém nên phải dùng thêm nguồn nước suối ”, anh Bình nói.
Ông Hoàng Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hóa, cho biết: Hiện nay, toàn xã có hơn 500 hộ dân, trong đó có 2 thôn Thuận Yến và Xuân Canh, đang phải sử dụng nước bị nhiễm phèn, nước sông, suối, khe không bảo đảm vệ sinh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Trước đây, bà con cũng có nước sạch từ dự án ADB đầu tư. Tuy nhiên, trận lũ năm 2013, đã cuốn trôi hết đường ống nước nên người dân không còn nguồn nước sạch để dùng. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các ban ngành, quan tâm hỗ trợ cho Nhân dân trong xã có công trình nước sạch, tuy nhiên, đã nhiều năm qua không có kết quả.
“Năm 2020, xã Thuận Hóa sẽ phấn đấu về đích nông thôn mới, hiện nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí. Tuy nhiên, còn 4 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí về nước sạch…”, ông Phong chia sẻ.
Ông Phong cũng cho biết thêm, nhiều năm qua, tại các buổi họp tiếp xúc cử tri là người dân thôn Thuận Tiến, Xuân Canh cầu cứu các cấp chính quyền, cơ quan chuyên ngành có giải pháp về việc bắc cầu cho dân và giải quyết nước sạch để người dân yên tâm đi lại và phát triển kinh tế. Niềm mong mỏi ấy không biết bao giờ mới thành hiện thực.
QUỲNH CHI