Năm nay ông Hồ Khiên 56 tuổi nhưng đã có 30 năm làm Trưởng bản Tà Vờng (nay là bản Dộ - Tà Vờng). Với sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc chung, ông cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn.
“Tôi luôn tâm niệm, làm Trưởng bản tức là làm cầu nối đưa chính sách của Đảng về với Nhân dân. Những việc có ích, có lợi cho dân phải cố gắng làm thật tốt. Để dân hiểu, dân tin và dân làm theo thì trước hết bản thân mình phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động triển khai tại cơ sở”, ông Khiên chia sẻ.
Năm 2019 sau khi sáp nhập bản Tà Vờng với bản Dộ thành bản Dộ - Tà Vờng, ông Khiên được giao nhiệm vụ là Công an viên kiêm Chi Hội trưởng Hội Nông dân. Với vai trò là Chi Hội trưởng Hội Nông dân, ông Khiên được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KH-KT), như: Cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ các hủ tục trong đời sống ở xã, huyện. Khi về bản, ông tổ chức họp dân để truyền đạt những kiến thức đó đến với bà con.
Với uy tín của mình, ông Khiên đã tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân thực hiện, kêu gọi người dân trồng rau, trồng cây ăn quả, làm hàng rào quanh vườn để ngăn trâu bò vào phá hoại, động viên dân bản tích cực làm lúa rẫy, trồng rừng, vận động bà con xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở, chăm lo sản xuất, biết ứng dụng KH-KT vào chăn nuôi... Bởi vậy, trong bản có 74 hộ dân, nhà nào cũng có trâu, bò, làm lúa rẫy, tuy chưa phải thoát nghèo nhưng cuộc sống của bà con ngày càng thay đổi.
Không chỉ giỏi trong công tác xã hội, ông Khiên còn giỏi làm kinh tế. Gia đình Hồ Khiên hiện sở hữu hơn 9 vạn cây keo, trên 150 cây huê. Ông còn nuôi 4 con bò sinh sản. Từ năm 2018, ông đầu tư trồng các loại cây ăn quả như ổi, bưởi, thanh long, mít… và trồng rau. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá.
Năm 2019, ông Khiên là người đầu tiên trong bản mạnh dạn cải tạo đất, làm ruộng lúa nước bậc thang. Ông Hồ Khiên chia sẻ: “Sau khi xem Tivi thấy ở ngoài Bắc người ta làm ruộng bậc thang, mình nằm suy nghĩ điều kiện ở mình cũng có thể làm được như họ. Thế là mình bắt tay vào làm”. Bây giờ nhìn ruộng lúa nước của ông bà con ai cũng thích lắm, họ nhờ ông hỗ trợ, chỉ dẫn cùng làm ruộng bậc thang.
“Mình đã học được cách trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi con bò, con gà nên mình không lo đói nghèo nữa. Mình xin ra khỏi hộ nghèo vì gia đình đã tự túc được lương thực. Mình sẽ quyết tâm làm ăn để bà con trong bản học theo”, ông Hồ Khiên phấn khởi nói.
Nhận xét về ông, bà Hồ Thị Xăn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trọng Hóa cho biết: “Ông Khiên là Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân rất năng nổ, nhiệt tình, siêng năng lao động sản xuất. Ông là người Mày (nhóm địa phương của dân tộc Chứt) tiên phong khai hoang làm ruộng lúa nước đầu tiên của xã. Chúng tôi nể phục sự sáng tạo và quyết tâm của ông. Đây là điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình, tấm gương sáng để bà con dân bản học tập, làm theo”.
Ông Khiên là một Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân rất năng nổ, nhiệt tình, siêng năng lao động sản xuất. Ông là người Mày (nhóm địa phương của dân tộc Chứt) tiên phong khai hoang làm ruộng lúa nước đầu tiên của xã. Chúng tôi nể phục sự sáng tạo và quyết tâm của ông.”
Bà Hồ Thị Xăn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trọng Hóa