Kiệt quệ sau lũChúng tôi tới Ngọc Phụng vào một ngày đầu đông, cuộc sống của bà con nơi đây dường như trầm hơn trước. Nhà cửa, ruộng vườn cũng trở nên tiêu điều, xơ xác. Dẫn chúng tôi thăm một số công trình sau lũ, ông Vũ Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, buồn rầu, nói: “Dù trận lũ đã đi qua được hai tháng nay, chính quyền cùng nhân dân trong xã đã cố gắng khắc phục, nhưng vẫn chưa được là bao. Trận lũ lịch sử đã cuốn đi bao công sức, tài sản của bà con nhân dân xã Ngọc Phụng. Hầu hết các công trình giao thông nội đồng, kênh mương, ruộng đồng, vườn tược, hoa màu… bị chặt khúc, xói mòn, vùi lấp; nhiều cơ sở hạ tầng bị đổ vỡ… không thể sử dụng. Tổng thiệt hại khoảng gần 12 tỷ đồng”, ông Nam chia sẽ.
Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Hưng Long nhìn vườn cây thở dài ngao ngán: “Trận lũ vừa qua đã làm hư hỏng mất vườn bưởi diễn, cùng hơn 2.000 cây cam, quất các loại. Giờ gia đình tôi cũng không biết bắt đầu lại từ đâu, bao nhiêu vốn liếng, vay mượn được đều đổ vào vườn cây này hết rồi. Không biết sau này lấy gì mà trả nợ đây”.
Cùng tâm trạng ông Nguyễn Văn Dương, ở thôn Xuân Thắng, người bị thiệt hại nặng nề lên tới gần 1 tỷ đồng do trận lũ vừa qua, xót xa cho biết: “Đêm 10/10 vừa qua, nước lũ đổ về nhanh quá, gia đình tôi không kịp trở tay. Toàn bộ vườn hoa lan 2.500m2 của tôi gây dựng bao nhiêu năm nay đã bị nước lũ xóa sổ. Nhìn những giò hoa lan có giá trị hàng chục triệu đồng trôi theo nước lũ, không cứu vớt được mà xót xa vô cùng. Bao nhiều công sức, mồ hôi lẫn nước mắt bỗng nhiên bị cuốn sạch, không biết bao nhiêu năm nữa mới có thể khôi phục lại được”.
Trận lũ lịch sử vào tháng 10 vừa đã cuốn đi bao công sức, tiền của của chính quyền và bà con nhân dân xã Ngọc Phụng. Họ thở dài nhìn những công trình giao thông nội đồng, kênh mương, ruộng đồng, vườn tược, hoa màu… bị chặt khúc, xói mòn, vùi lấp.
Bài toán khóQuệt ngang những giọt mồ hôi còn nhễ nhại trên trán, ông Lê Đức Thắng, thôn Xuân Thành, tâm sự: “Gia đình tôi bị đất đá vùi lấp khoảng 3 sào diện tích đất nông nghiệp, một số mía còn chưa thu hoạch cũng đã nằm dưới lớp đất đá này rồi. Không cải tạo thì không có đất sản xuất, mà cải tạo thì không biết chừng nào mới xong”.
Nhìn cánh đồng ngổn ngang những đất đá, ông Vũ Ngọc Nam, cho biết: “Hiện toàn xã có 5ha đất nông nghiệp bị đá từ thượng nguồn trôi về vùi lấp không thể canh tác được. Để cải tạo được diện tích này thì chi phí rất lớn, vì phải đào, bóc lớp đá trên mặt, sau đó vận chuyển đi nơi khác đổ. Khu đất này bị lầy, ô tô, máy xúc cũng không thể làm gì được mà nếu chỉ dùng sức người không thì quá vất vả”, ông Nam lo lắng.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã, trận lũ lịch sử vừa rồi đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Là một xã miền núi, vừa mới được công nhận đạt chuẩn NTM cách đây 2 năm, nay bị lũ tàn phá nên cuộc sống của bà con lại gặp muôn vàn khó khăn. Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, xã Ngọc Phụng sẽ phải mất một thời gian dài. Bởi lẽ, việc huy động người dân đóng góp để xây dựng NTM vốn không hề đơn giản, nay đời sống của họ lại bị ảnh hưởng nặng nề nên chuyện khôi phục các công trình xây dựng NTM sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Nam, điều khó khăn đối với Ngọc Phụng hiện nay nữa là hệ thống thủy lợi (kênh Thường Xuân), dẫn nước về từ đập Dốc Cáy về tưới cho các xã Lương Sơn, Ngọc Phụng, Xuân Dương, Thọ Thanh và thị trấn Thường Xuân đang bị hư hỏng. Nếu không khắc phục kịp thời hệ thống thủy lợi này, thì riêng xã Ngọc Phụng sẽ không có nước để tưới cho 150ha lúa chiêm xuân sắp tới.
Quỳnh Trâm