Tham dự phiên họp còn có các thành viên Hội đồng; đại diện cơ quan quản lý, Bộ KH&CN; Ban Chủ nhiệm đề tài và một số nhà khoa học.
Đề tài “Đánh giá hiệu quả, tác động của chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế thực hiện ở vùng DTTS và miền núi từ năm 1990 đến nay” do TS. Trần Minh Hằng là Chủ nhiệm đề tài. Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) là cơ quan chủ trì thực hiện. Mục tiêu của Đề tài nhằm nghiên cứu, đánh giá kết quả, hiệu quả và tác động của chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế thực hiện ở vùng DTTS và miền núi kể từ khi Việt Nam nối lại quan hệ hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển DTTS.
Thời gian qua, Việt Nam trở thành nước tiếp nhận ODA cao nhất trong khu vực, với khoảng 40% tổng vốn ODA vào khu vực ASEAN (2010-2019); với tỷ trọng ODA/GDP ở mức cao, khoảng 4% GDP trong những năm đầu của thập niên 1990, 3% GDP trong những năm 2000-2010 và khoảng 2% GDP năm 2011-2019.
Trong lĩnh vực thu hút, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ở vùng DTTS và miền núi thời gian qua, Đề tài rút ra một số thành tựu như: Giúp cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng; Nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực của đồng bào; góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, còn một số khó khăn, hạn chế là: chưa có cơ chế thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi dành riêng cho khu vực này; do điều kiện địa lý, địa hình, cơ sở hạ tầng... nên khả năng thu hồi vốn chậm; công tác xúc tiến, vận động tài trợ, đầu tư hạn chế; tốc độ giải ngân chậm; một số dự án chưa mang lại hiểu quả như mong đợi...
Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, Đề tài đã đánh giá hiệu quả và tác động của các chương trình, dự án quốc tế thực hiện ở vùng DTTS và miền núi trên các lĩnh vực như phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường... Từ công tác dự báo xu hướng của nguồn vốn ODA, hoạt động và viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Đề tài đề xuất giải pháp cụ thể để tăng cường hiệu quả các chương trình, dự án quốc tế với các nhóm giải pháp như: tổ chức đầu mối triển khai; hoàn thiện chính sách; tăng cường hiệu quả sử dụng vốn; yếu tố công khai và minh bạch; thông tin và tuyên truyền; tăng cường quan hệ đối tác với nhà tài trợ.
Đề tài có một số kiến nghị cụ thể như: tăng cường vai trò giám sát; ban hành Luật Quản lý và sử dụng ODA, Luật về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ; đa dạng hóa các nguồn vốn; chủ động và tích cực trong hợp tác với các đối tác phát triển; xác định các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển và tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án cho vùng DTTS và miền núi...
Đánh giá Ban Chủ nhiệm Đề tài đã dày công nghiên cứu, sản phẩm có căn cứ khoa học, có nhiều ý nghĩa trong tổng kết thực tiễn, các thành viên Hội đồng đề nghị: Đề tài cần đánh giá sâu thêm từ các nguồn dữ liệu điều tra; làm rõ hơn cách tiếp cận, giới hạn phạm vi và đối tượng nghiên cứu; phân tách rõ hơn các mục đích, mục tiêu, tính chất, quy mô, quy chế, thủ tục tiếp nhận và quản lý, các yếu tố đặc thù tác động đến chương trình, dự án; mạnh dạn phân tích đa chiều trong những tác động không mong muốn của các chương trình, dự án cho vùng DTTS và miền núi...
Kết thúc phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Đạt” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện sản phẩm của Đề tài.