Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, ông Lê Hồng Sơn, tự hào cho biết: Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, đồng bào các DTTS sống tập trung đông ở những xã có địa hình đồi dốc như xã Nghĩa Mai; Nghĩa Thọ; Nghĩa Lợi; Nghĩa Lạc... Từ 2014 đến nay, các chính sách dân tộc đã đầu tư 766 tỷ đồng góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn miền núi của huyện.
Những năm qua, việc triển khai tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã giúp đời sống đồng bào các DTTS như Thái, Thổ… trên địa bàn huyện có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các DTTS luôn được quan tâm. Trên địa bàn toàn huyện có 24 xã (96%) đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế, có 22/25 Trạm y tế xã có bác sĩ đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Cùng đó, các chính sách đầu tư cho giáo dục-đào tạo được quan tâm, bằng việc hỗ trợ các trường có học sinh bán trú dân nuôi trên địa bàn, đầu tư cơ sở vật chất.
Hiệu quả từ các chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm đạt 16,17%; thu nhập bình quân đầu người trên toàn huyện đạt 38,5 triệu đồng/người/năm (riêng thu nhập bình quân đầu người DTTS đạt 27,35 triệu đồng/người/năm); Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 16,96% năm 2014 xuống còn 5,2% hết năm 2018 (giảm 11,76%). Trong đó, số hộ nghèo DTTS giảm đáng kể, từ 3.074 hộ năm 2014 giảm xuống còn 1.127 hộ vào năm 2019… Từ đó, đồng bào phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; tăng thêm niềm tự hào dân tộc, yêu quê hương đất nước, an tâm xây dựng cuộc sống mới.
Nếu như trước đây, vùng dân tộc miền núi có nhiều khó khăn, thu nhập thấp thì nay, từ trong gian khó đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, thu nhập lên tới nửa tỷ đồng mỗi năm.
Điển hình như gia đình ông Lê Đăng Hùng, dân tộc Thổ ở xóm Trống, xã Nghĩa Thọ. Với nguồn tài nguyên đất đai thuận lợi, ông Hùng đầu tư phát triển 11ha keo, 3ha mía, 3ha sắn... Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học-kỹ thuật vào cây trồng, từ một hộ nông dân nghèo nhưng chăm chỉ, sáng tạo áp dụng khoa học-kỹ thuật mỗi năm trừ chi phí gia đình ông Lê Đăng Hùng lãi trên 400 triệu đồng.
Tương tự gia đình bà Trương Thị Hoa, dân tộc Thổ ở xóm Ngọc Lam, xã Nghĩa Lợi giờ đây đã có cuộc sống khấm khá hơn nhờ chính sách cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Bà Hoa vui mừng chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc gia đình hộ nghèo của xã, chồng thì bệnh tật, con trai bị di chứng do tai nạn giao thông. Năm 2018, gia đình được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS để đầu tư trồng 2ha keo, chăn nuôi bò sinh sản, trồng mía. Hiện bò sinh sản đã cho thu nhập, cuộc sống gia đình tôi đã bớt khó khăn, đang từng bước để thoát nghèo”…
Với những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tếxã hội những năm qua, tại Đại hội Đại biểu DTTS lần thứ III tới đây (dự kiến diễn ra ngày 17/5/2019) huyện Nghĩa Đàn dự kiến đưa ra nhiều mục tiêu phấn đấu tới năm 2024. “Huyện phấn đấu đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% trạm y tế xã được kiên cố hóa, đạt chuẩn y tế quốc gia; 98% phòng học được kiên cố hóa; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%, hộ cận nghèo xuống dưới 10%; Thu nhập bình quân người/năm trên 50.000.000 đồng/người/năm” Ông Lê Hồng Sơn Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm.
MAI HƯƠNG