Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng nghệ nhân Mào Văn Ết vẫn bền bỉ suốt nhiều năm qua để tìm tòi, sáng tạo, gìn giữ và tôn vinh nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Nghệ nhân Mào Văn Ết sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật dân gian, khi cả ông nội và bố đều là tay đàn có tiếng ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu cầm đàn Tính tập lên dây, chỉnh đàn theo các bài Then cổ và tập chế tác từng bộ phận đơn giản của đàn theo ông nội.
Không dừng ở đó, nghệ nhân Mào Văn Ết lần lượt tìm tới các thầy đàn giỏi hơn ở vùng Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La để theo học. Năm tháng trôi đi khi vừa tròn 19 tuổi cũng là lúc tiếng đàn của ông gây ấn tượng và có tiếng vang trong vùng, ông được tuyển làm “Báo khỏa” (nhạc công đệm cho tốp múa Then) trong lễ Kin Pang Then, sau này ông thường xuyên được mời đi đệm đàn trong các ngày lễ, tết, hội hè…
Gắn bó với Tính tẩu cả cuộc đời, mỗi khi nhắc lại mối nhân duyên ấy, nghệ nhân Mào Văn Ết không quên nhắc đến câu chuyện vào năm 1960. Khi ấy ông được cố nhạc sĩ Tạ Thâm- nguyên Trưởng khoa Âm nhạc, Trường Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc mời về để khai thác kỹ thuật chế tác và đánh đàn truyền thống. Ròng rã 10 năm, đến năm 1970, nghệ nhân Mào Văn Ết và nhạc sĩ Tạ Thâm đã cải tiến thành công bộ tính gồm tính cao, tính trung, tính đại; hình dáng đàn đẹp hơn, âm sắc đạt chuẩn. Quá trình cùng người thầy Tạ Thâm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, ông đã học được nhuần nhuyễn kỹ thuật chế tác theo tiêu chuẩn lý tính, hóa tính và vật lý âm thanh. Với những kiến thức và kinh nghiệm đã có, nghệ nhân Mào Ết đã chế tác rất nhiều cây đàn để phục vụ nhân dân và các nghệ sĩ thời bấy giờ.
Nghệ nhân Mào Văn Ết cho biết, Tính tẩu có 6 bộ phận nhưng đàn đạt chuẩn hay không lại ở bầu đàn (má tính tẩu)-hộp cộng hưởng âm thanh. Người chế tác phải chọn được quả bầu già (mắc tẩu), kích thước vừa phải, vỏ mỏng, đem cạo sạch lõi và phơi khô nhiều tháng, khi vỏ bầu hóa gỗ sẽ cưa đôi, lấy phần dưới làm bầu đàn. Mặt đàn (tép tính) thường được làm bằng gỗ cây lát. Cần đàn (căn tính) làm bằng các loại gỗ nhẹ, mịn, ít bị cong vênh do nhiệt và lực căng của dây, như: sổi, vàng tâm, thông trắng… “Cây đàn Tính tẩu của người Thái vùng Tây Bắc có điểm khác với cây đàn Tính tẩu của các dân tộc Tày, Nùng vùng Ðông Bắc, bởi đàn Tính tẩu của người Thái Tây Bắc có mỏ đàn được cách điệu thành hình chiếc đuôi con gà trống. Tổng thể hình dáng cây đàn Tính tẩu của người Thái vùng Tây Bắc là biểu tượng của con gà trống-vật tổ của người Thái”, ông Mào Văn Ết cho biết.
Nghệ nhân Mào Văn Ết cũng là một trong người lưu giữ nhiều làn điệu dân ca cổ của dân tộc. Ông đã truyền dạy cho rất nhiều thế hệ học trò, trong đó tiêu biểu là Nghệ sĩ Ưu tú Vương Kếp (tỉnh Thái Nguyên), và nhiều học trò đạt được huy chương, bằng khen, giấy khen các cấp… Với những cống hiến đó, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ I năm 2015.
HỒNG MINH