Ông Bh’ling Argưnl không còn nhớ rõ đã học và biết sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc mình từ khi nào. Chỉ nhớ rằng, từ những buổi cùng cha ra suối bắt cá, những lần đi rẫy, cha ông luôn mang theo chiếc đàn tâm bét alui và cây sáo ahen bên cạnh. Argưnl được thưởng thức những thanh âm trong trẻo phát ra từ các loại nhạc cụ rồi đem lòng yêu mến. Mỗi khi ngồi nghe người lớn đánh chiêng, đàn, thổi sáo, ông xin vào đánh theo, đánh nhiều thì thuần thục.
Năm nay đã đi qua 62 mùa lúa rẫy nhưng ông Bh’ling Argưnl vẫn dành hết tâm huyết cho nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Mỗi ngày, ông đều mang nhạc cụ ra chơi, chỉ hôm nào bận đi rừng hoặc đau ốm, ông mới đem chúng treo góc nhà.
Tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XIX-2018, tổ chức tại huyện Nam Giang vừa qua, gian trưng bày của huyện Tây Giang thu hút nhiều du khách đến xem. Bởi gian hàng trưng bày nhiều loại nhạc cụ như: đàn tâm bét alui, đàn abel, sáo a hen, đàn gơrưna (hay còn gọi là nhạc cụ đuổi chim), khèn bơ rét, sáo a lướt,… Tham gia Ngày hội, ông Bh’ling Argưnl cho biết: Mỗi một loại nhạc cụ đều phát ra những âm thanh kỳ diệu, độc đáo. Nó hội đủ mọi cung bậc vui, buồn, thương, ghét, giận, hờn như tiếng đời của người Cơ-tu. Bởi vậy, nếu ai đủ hiểu về nó thì nghe người ta đánh cũng đủ biết tâm trạng thế nào.
Ở làng Tà Vàng, ông Bh’ling Argưnl được biết đến là người còn thuộc nhiều bài hát cổ và hát lý hay nhất vùng A Tiêng. Đến bây giờ, Argưnl có thể chơi và hiểu tường tận 10 loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ-tu. Ông cũng thuộc lòng hàng trăm câu chuyện cổ tích, mỗi tối vẫn hay kể cho lớp trẻ trong làng Tà Vàng nghe.
Nhưng bây giờ ông Bh’ling Argưnl đang lo lắm. Nếu lớp trẻ thờ ơ với âm nhạc truyền thống thì mai này, khi lớp người già Cơ-tu về với tổ tiên, ai còn biết đến nhạc cụ dân tộc. Mong ước lớn nhất của Argưnl bây giờ, là được truyền dạy cho con cháu đời sau như chính cha tôi, và những bậc cao niên trong làng đã từng truyền dạy cho mình. Bởi những làn điệu dân ca, đến những giai điệu của nhạc cụ, là cả cái
hồn của người Cơ-tu.
Vậy là chẳng ai nhờ, ai mướn, cứ lúc nào rảnh rỗi hoặc khi lũ trẻ được nghỉ hè, ông Bh’ling Argưnl lại vận động các cháu đến Gươl (ngôi nhà truyền thống của làng) để bày cho chúng cách đánh cồng chiêng, múa tung tung da dá, cách đánh đàn, thổi sáo. Nhiều em nhỏ trong làng Tà Vàng từ khoảng 9-14 tuổi đã trở thành những người đánh cồng chiêng, đàn hay như: Bh’ling Akich, Bh’ling Hiền, Alăng Nhân,… Hiện nay, làng Tà Vàng đã có một đội cồng chiêng nhí.
Hiện nay, mỗi khi có phong trào văn nghệ ở địa phương, ông Argưnl luôn là hạt nhân đại diện được mời tham gia. Cộng đồng người Cơ-tu rất ngưỡng mộ ông-một nghệ nhân tâm huyết đã dành gần cả cuộc đời cho công việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc của cha ông.
NGUYỄN VĂN SƠN