Nhiều nơi bị ngập nặng
Hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó huyện Quỳnh Lưu đón nhận lượng mưa kỷ lục từ 100 - 250 mm, có nơi lên đến 300 mm. Mưa liên tục nhiều giờ khiến nhiều nhà dân đã bị ngập. Trường học và nhiều cơ quan cũng bị nước tràn vào.
Thông tin từ chính quyền thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu cho biết, trong đêm 28/9, hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lớn liên tục, khiến một số khu vực trên địa bàn bị ngập úng cục bộ. Cụ thể, theo thống kê sơ bộ, đến 23h đêm 28/9 đã có 70 hộ dân trong khu dân cư bị nước tràn vào nhà. Bên cạnh đó, có 48 hộ dân nằm sát mặt đường tại Khối 4 và Khối 6 cũng bị ngập lụt do những khu vực này là vùng trũng tại địa phương.
Ông Lại Thế Toàn - Bí thư Đảng ủy Thị trấn Cầu Giát cho biết: Ngay trong đêm, chúng tôi đã tuyên truyền trên loa phát thanh, huy động các lực lượng ở khối xóm hỗ trợ bà con tại những khu vực ách yếu kê cao đồ đạc, tài sản. Những hộ có nguy cơ lụt nặng được vận động đi tránh trú tại nhà người thân. Bên cạnh đó, 2 hộ neo đơn trên địa bàn cũng được lực lượng chức năng di dời đến nhà nghỉ trên địa bàn để bảo đảm an toàn.
Tại địa bàn các xã khác, mưa lớn cũng gây ngập cục bộ ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, tại xóm 4 xã Quỳnh Tam, mưa to, gió lớn do hoàn lưu bão số 4 đã khiến một đoạn đê có nguy cơ bị vỡ. Chính quyền địa phương đã huy động Nhân dân trắng đêm đội mưa để gia cố đê.
Sáng 29/9, ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, mưa lớn của hoàn lưu bão số 4 (Noru) đã khiến một số nơi trên địa bàn xã bị ngập cục bộ. Đặc biệt, trong đêm 28/9, bờ đê đập Hóc Cối tại địa bàn xóm 4 (xã Quỳnh Tam) đứng trước nguy cơ bị vỡ; chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đã huy động máy móc, hàng trăm người dân tập trung gia cố gần 1.000 bao tải cát và đóng cọc ngay trong đêm, gia cố tạm thời để bảo đảm an toàn cho bờ đê.
Tại các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Diễn Châu và Tp. Vinh… của tỉnh Nghệ An, nhiều nơi cũng bị ngập, nước tràn vào nhà, cây cối bị đổ... Mưa lớn trong ngày và suốt đêm 28/9 đã khiến nhiều xã ở huyện Thanh Chương bị ngập sâu. Sáng 29/9, một số khu dân cư của các xã như Thanh Đức, Thanh Tùng, Thanh Hà, Thanh Xuân... đã bị cô lập.
Ông Phan Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng huyện Thanh Chương cho hay: Từ tối hôm qua, một số khu dân cư ở xóm 1, xóm 2 đã bị ngập sâu. Sáng nay đã bị chia cắt hoàn toàn. Lực lượng chức năng của xã đang có mặt ở các điểm ngập sâu, sẵn sàng sơ tán dân chạy lũ.
Còn tại xã Thanh Mỹ, trong đêm 28/9, mưa to gây ngập nặng. Toàn bộ các xóm ngập sâu trong nước; nhiều hộ dân, nước tràn vào nhà, dâng cao 2 - 3 m, buộc phải sơ tán dân lên trụ sở UBND xã, Trạm Y tế, trường học. Hiện, huyện đã cử các đoàn công tác xuống các điểm xung yếu để kiểm tra, chỉ đạo và phối hợp cùng địa phương khắc phục các sự cố sạt lở đường, sạt lở núi. Đồng thời, nắm tình hình thực tế để có phương án linh hoạt, kịp thời bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân khi hoàn lưu bão đang gây mưa lớn trên địa bàn.
Khu vực miền núi Nghệ An cũng chịu ảnh hưởng nặng của mưa bão. Tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã bị ngập lụt gần 1 m. Nhận được tin báo, ngay trong đêm 28/9 và rạng sáng 29/9, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã cử lực lượng xuống địa bàn các bản Thái Sơn 1 và Thái Sơn 2 tổ chức di dời tài sản, vật nuôi, giúp đỡ Nhân dân nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Đến sáng 29/9, do được ứng cứu kịp thời nên không có thiệt hại về người, tài sản, đồ đạc, gia súc của người dân đã kịp thời được di dời lên cao.
Mưa bão cũng gây sạt lở nặng tại rú Quyết (Tp. Vinh), sạt lở tại rú Nguộc gây tắc nghẽn Quốc lộ 46, sạt lở dốc Chó gây tắc nghẽn Quốc lộ 7A tại huyện Con Cuông, sạt lở đường lên núi Chung Sơn ở huyện Nam Đàn… Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập nặng đã khiến giao thông bị chia cắt. Nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm do mưa lớn. Hiện tại, các cấp chính quyền đang tỏa xuống cơ sở, bám nắm địa bàn, phối hợp cùng người dân khắc phục hậu quả, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Tại Hà Tĩnh, mưa bão đang gây ngập nặng ở nhiều nơi. Sáng nay (29/9), trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thông tin: Mưa lớn kéo dài và nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập cục bộ tại nhiều địa phương trên địa bàn từ đêm qua (28/9) cho đến nay. “Hiện tại trên địa bàn đã bị ngập lụt cục bộ tại một số khu vực nằm ở vùng trũng thấp, trong đó có một số nhà dân và các tuyến đường giao thông liên xã”, ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, từ đêm 28/9, cầu tràn Phố Giang nối thị trấn Phố Châu và xã Sơn Giang huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ngập sâu; một số tuyến đường giao thông tại các xã Sơn Hồng, Sơn Lâm, Kim Hoa... bị ngập, gây chia cắt nhiều khu vực.
Ngay trong đêm, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã kịp thời có mặt tại các điểm bị ngập, các hộ gia đình có nguy cơ ảnh hưởng do mưa lũ, sạt lở đất để hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Đồng thời cắm biển cảnh báo và phân công lực lượng trực chốt để bảo đảm an toàn.
Sạt lở và chia cắt
Từ chiều 28/9, Quốc lộ 8A, đoạn qua địa phận xã Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã xảy ra sạt lở mái taluy dương khiến khoảng 600 m3 đất đá đổ sập xuống đường gây ách tắc giao thông.
Ngay sau khi phát hiện, đơn vị đang thi công dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ này đã điều động công nhân đưa máy móc đến để giải phóng đất đá, giao thông qua tuyến đã phục hồi.
Theo Công ty CP Thủy điện Hương Sơn, hiện tại mực nước hồ chứa thủy điện đang ở cao trình 803,86 m so với mực nước biển, lưu lượng nước về hồ đạt 10 m3/s. Để bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du, Công ty CP Thủy điện Hương Sơn tiến hành điều tiết nước qua các cửa van đập tràn từ 15,4 - 92 m3/s từ 11 giờ trưa nay (29/9).
Đặc biệt, mưa bão đã gây chia cắt khiến hàng chục hộ đồng bào dân tộc Chứt ở huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh bị cô lập. Từ chiều 28/9, một số tuyến đường giao thông ở các xã như Hương Đô, Lộc Yên, Phúc Trạch đã bị ngập sâu, khiến giao thông bị tắc nghẽn. Riêng tại xã Hương Liên huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về khiến cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu nối trung tâm xã này với bản Rào Tre bị ngập sâu từ 1 - 1,5 m.
Do đây là con đường “độc đạo”, nên toàn bộ gần 50 hộ dân đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre tạm thời bị cô lập. UBND xã Hương Liên đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho các hộ dân và lắp biển cảnh báo, rào chắn cấm người dân qua lại cầu tràn để bảo đảm an toàn.
Ông Phan Kỳ - Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê trao đổi: Các ngành chức năng của huyện đã đi kiểm tra tình hình ngập lụt do mưa lớn tại các địa phương trên địa bàn để chỉ đạo triển khai các công tác ứng phó.