Nghệ An là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống. Các DTTS như Thái, Mông, Khơ Mú… có bản sắc văn hóa rất đậm nét. Một trong những nét bản sắc riêng biệt ấy là những ngôi nhà sàn cổ, lâu đời của bà con các dân tộc nơi miền tây xứ Nghệ.
Tuy nhiên, tại nhiều bản làng, nhà sàn truyền thống của bà con các dân tộc đang dần mất đi. Đặc biệt, là với những mái nhà sàn cổ có thời gian hàng trăm năm tuổi như làng thái cổ Mường Đán xã Hạnh Dịch (Quế Phong), làng thái cổ Hoa Tiến (Quỳ Châu), những mái nhà truyền thống của người Mông lợp bằng gỗ sa mu, pơ mu… ở Kỳ Sơn, Tương Dương.
Đây là vấn đề cần đặt ra đối với việc gìn giữ không gian, giá trị văn hóa truyền thống, kiến trúc cảnh quan trong xây dựng, thiết kế kiến trúc nhà sàn gắn với phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Trước thực tế ấy, việc gìn giữ, bảo tồn nhà sàn cổ, nhà truyền thống của đồng bào các DTTS vừa giữ cho nét văn hóa đến muôn đời sau, vừa phục vụ du lịch là việc làm “nhất cử lưỡng tiện”. Bởi, khách đến với những điểm du lịch này ngoài việc tham quan các danh thắng còn muốn được tìm hiểu thêm về bản sắc văn hóa của người dân địa phương.
Mặt khác, Lâu nay, tỉnh Nghệ An đang xác định, du lịch cộng đồng là một trong ba sản phẩm đặc trưng của ngành du lịch tỉnh. Vì thế, phục hồi, gìn giữ và phát huy giá trị các nhà sàn cổ, nhà truyền thống là rất quan trọng.
Tại một số huyện vùng cao biên giới, có nhiều dân tộc cùng chung sống gồm: Thái, Khơ Mú, Mông..., công tác phục dựng, gìn giữ nhà sàn cổ rất dược quan tâm, chú ý. Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Dương Hoàng Vũ cho biết: địa phương đã mời các chuyên gia về du lịch đi khảo sát thực tế, đánh giá về lợi thế, khai thác về du lịch từ bản làng Thái cổ, nếp nhà sàn độc đáo nơi đây. Cùng với thác Bảy tầng, những ngôi nhà sàn cổ, huyện Quế Phong đang xây dựng làng Mường Đán, xã Hạnh Dịch thành điểm du lịch cộng đồng.
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân lưu giữ lại những ngôi nhà sàn cổ, để họ thấy được giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình qua ngôi nhà sàn. Các huyện miền Tây Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong xây dựng các đề án để bảo tồn không gian văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, các huyện cũng có những cơ chế, chính sách để người dân chủ động, có ý thức bảo tồn ngôi nhà mình đang sống, tạo sinh kế từ việc bảo tồn các giá trị văn hóa.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ: Nhiều địa phương đã xây dựng đề án bảo tồn, phát huy các giá trị và không gian văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch thông qua các mô hình du lịch cộng đồng. Ngành Văn hóa và Thể thao thời gian tới sẽ tiến hành rà soát, phân loại, kiểm kê, hệ thống các ngôi nhà sàn cổ, nhà sàn truyền thống từ đó tiến hành xếp hạng di tích lịch sử theo Luật Di sản.
Sở cũng đề nghị ngành Xây dựng và Hội Kiến trúc cần số hóa kiến trúc nhà sàn nhằm phục dựng lại các ngôi nhà sàn cổ, phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc./.