Không còn mặn mà với ruộng đồng
Mặc dù, trong vụ thu đông hằng năm, Nhà nước đều có chính sách hỗ trợ về giống và phân bón, nhưng người nông dân Nghệ An vẫn không mặn mà sản xuất. Hiện nay, có hàng trăm ha đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm trở thành chỗ chăn thả trâu, bò…
Anh Lê Văn Lai ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành cho biết, gia đình anh được xã chia cho 5 sào đất. Năm trước, anh ở nhà làm lúa còn vợ và con ra Bắc Ninh đi làm công ty. Năm nay, anh quyết không làm ruộng nữa mà đi làm bảo vệ ở TP. Vinh. Theo tính toán của anh Lai, trung bình mỗi sào lúa nếu đạt năng suất thì được 3 - 5 tạ/sào, sau khi trừ các chi phí thuế cày, cấy, phân bón và thu hoạch chỉ còn 1, 5 tạ. Như vậy, tổng 5 sào sẽ cho thu nhập 7,5 tạ, nếu giá lúa là 600.000 đồng/tạ thì được hơn 4,5 triệu đồng trong thời gian 4 tháng. Trong khi đó, một người đi làm cũng thu nhập được mỗi tháng hơn số tiền trên.
Cũng giống như ở Yên Thành, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, là xã miền núi thế nhưng tại đây cũng có hàng chục ha đất bị bỏ hoang. Ông Vi Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết: Sỡ dĩ người dân bỏ ruộng hoang vì họ cho rằng, sản xuất sẽ bị thua lỗ so với làm việc khác.
Chính quyền đã vào cuộc tuyên truyền vận động về các nguy cơ đất sản xuất bị hoang hóa, an ninh lương thực và các nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm sẽ thiếu ảnh hưởng lâu dài về cuộc sống. Tuy nhiên, người dân vẫn một mực đi làm việc khác có thu nhập cao hơn…
Đưa doanh nghiệp về với nông dân
Để giải quyết vấn đề này, ông Vương Ngọc, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực nông nghiệp UBND huyện Yên Thành đề nghị, về lâu dài, chúng ta cần có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường việc liên kết 4 nhà tạo nên chuỗi giá trị; đưa những cây trồng có giá trị và năng suất vào để người dân sản xuất. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ người dân để khuyến khích họ quay lại bám ruộng.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là, cần đưa doanh nghiệp về với nông dân. Thời gian tới, Yên Thành sẽ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để thực hiện theo mô hình này nhằm tạo cho người dân có thêm động lực để sản xuất.
Được biết mô hình liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp đã được một số địa phương áp dụng có hiệu quả. Tiêu biểu như các xã trên địa bàn huyện Tân Kỳ liên kết với Nhà máy sữa TH để trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho bò. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, người dân đã bắt đầu quay về bám ruộng tích cực sản xuất.
Đồng thuận với quan điểm đưa doanh nghiệp về với nông dân, ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho rằng, ngoài các chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, thì hằng năm huyện cũng có chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích người dân bám ruộng sản xuất…
Thiết nghĩ, nông dân bỏ ruộng là vấn đề lớn, ảnh hưởng về lâu dài sẽ gây nhiều hệ lụy. Vì vậy, chính quyền tỉnh Nghệ An cần tập trung chỉ đạo các cấp ngành, địa phương sớm có những giải pháp để khắc phục tình trạng này.