Đất trời “nổi giận”
Hơn 10 ngày qua, những cơn bão số 6 nối tiếp số 7, rồi áp thấp nhiệt đới liên tục ập vào miền Trung. Mưa như trút hết nỗi niềm khiến mặt đất nước dềnh lên đục ngầu cả một dải. Những đêm vừa rồi, nước lên giữa trời mưa xối xả, khắp các vùng Quảng Bình, Quảng Trị… những tiếng kêu cứu thảm thiết vang lên. Những dòng tin cầu cứu dồn dập trên mạng xã hội, những cuộc điện thoại cầu cứu vang lên trên khắp các đầu số. Nước dâng trong đêm, giữa giấc ngủ nhọc nhằn mùa lũ dồn dập khiến bà con không kịp trở tay.
Nước dâng quá nhanh và ngập hết mọi thứ trong đêm. Những bao lúa vừa khô chưa kịp chất lên gác. Những đàn gà, đàn vịt, bếp núc, đàn heo trong chuồng, cây rơm ngoài ngõ, đám cải vừa xanh, vồng khoai vừa ra củ, con nghé vừa biết bú sữa… tất tật, chìm trong nước đục ngầu.
Trước sức tàn phá của lũ lụt, người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và chỉ cầu mong con nước rút. Những đoàn từ thiện mà trong đó có rất nhiều phụ nữ, họ vận động quyên góp để hỗ trợ đồng bào trong lũ lụt. Họ mặc áo phao, mang nhu yếu phẩm đi cùng chính quyền địa phương vượt qua những cơn mưa tối tăm mặt mũi, vượt qua những con nước dưới lòng thuyền, vượt qua nỗi sợ hãi và cả những hiểm nguy để đến với đồng bào mình đang lay lắt chờ đợi.
Là phận phụ nữ, dù là người trong vùng nước ngập, hay những đoàn từ thiện trải nhiều ngày đi khắp các xóm thôn để cứu trợ, họ chẳng còn tâm trí để nghĩ tới ngày 20/10. Họ chỉ mong giúp được nhiều người hơn, họ chỉ mong đất trời đừng trút mưa, nước đừng dâng để cuộc sống đừng khốn cùng nữa. Họ không cần những bông hoa trong ngày đặc biệt dành cho phụ nữ này.
Nỗi đau trong lũ
Những vụ sạt lở đất liên tục báo về, như những nhát dao cứa vào tim từng người vậy. Vụ sạt lở ở Rào Trăng 3, vụ sạt lở ở Hướng Hóa… đã khiến rất nhiều người dân và quân nhân tử nạn. Trong số người thân của những người không may mắn ấy có rất nhiều người bà, người mẹ, người chị hay em gái của người xấu số. Với họ, nỗi đau này quá lớn, phủ trùm lên tất cả. Nỗi đau riêng của mỗi người, của mỗi gia đình hòa chung nỗi đau của đất nước, của cộng đồng trong mùa mưa lũ.
Nhiều người vừa tiếc thương vô vàn khi tiễn đưa 13 nạn nhân trong vụ sạt lở tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong những bức ảnh, những đoạn Clip đăng tải trên mạng và trên báo chí, nhiều người đã vô cùng xót xa khi thấy cảnh người mẹ một cán bộ chiến sĩ được một người đồng đội của con cõng tới trong lễ truy điệu. Mẹ già tóc bạc trắng, ánh mắt đau đớn đến cùng cực đã mất con. Nỗi đau ấy chắc chẳng ai có thể thấu hết.
Bà Trương Thị Khuyên, mẹ của chiến sĩ Lê Tuấn Anh (Cam Lộ, Quảng Trị, một trong những quân nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337) khóc không thành tiếng. Hai ngày trước, con trai có gọi điện thoại và khoe còn 3 tháng nữa sẽ xuất ngũ. Trong doanh trại, anh tự tay làm một món quà lưu niệm để tặng mẹ. Bây giờ, bà chẳng còn mong quà lưu niệm của đứa con trong ngày 20/10 nữa. Đứa con không trở về với bà nữa, món quà nào còn ý nghĩa gì.
Lê Văn Phú (SN 1995, Thừa Thiên - Huế) là 1 trong số 13 nạn nhân trong vụ sạt lở Rào Trăng 3. Phú là con trai duy nhất của gia đình. Ba, mẹ là nông dân, nhưng nuôi 3 chị em Phú ăn học thành tài. Học ra trường hơn 3 năm không tìm được việc làm. Nay, Phú mới xin được việc ở Rào Trăng, nhận lương mới được 3 tháng thì sự cố xảy ra.
Trên mạng xã hội và cả trong những lời thì thầm cùng nhau, nhiều người phụ nữ những nơi khác cảm nhận được sự trái ngang của cuộc sống, họ lặng lẽ giấu đi những bó hoa hay những món quà được tặng ngày 20/10. Những hoạt động kỷ niệm, những bữa tiệc mừng ngày lễ, nhiều nơi đã không còn tổ chức rầm rộ nữa. Họ không muốn vui trên nỗi đau đồng bào đang trải qua ở miền Trung ruột thịt.