Đêm 28/6/2021, trận mưa to kèm giông sét đã gây ra sự cố điện tại thôn Thôm Niêng, xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm). Theo báo cáo qua đường dây nóng của anh Dương Văn Hành, thôn Thôm Niêng, sét đánh vào cột điện đã làm vỡ nhiều quả sứ trên đường dây tải điện qua địa bàn.
Nhận được tin báo của anh Hành, Điện lực Pác Nặm đã khẩn trương cử một tổ công tác vào xã Cổ Linh, khắc phục sự cố lưới điện. Ngay sau khi khắc phục sự cố điện tại thôn Thôm Niêng, Điện lực Pác Nặm đã tổ chức tri ân khách hàng Dương Văn Hành, vì đã có thành tích trong việc đảm bảo an toàn lưới điện.
Anh Dương Văn Hành cho biết: “Qua công tác tuyên truyền của ngành điện, chúng tôi nhận thấy, cần chung tay bảo vệ đường dây, hành lang an toàn điện, nhất là trong mùa mưa bão. Bảo vệ an toàn lưới điện cũng là bảo vệ an toàn cho gia đình và cộng đồng”
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân trên địa bàn huyện Pác Nặm đã chủ động cung cấp thông tin có liên quan đến an toàn lưới điện, đến những hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
“Từ đầu mùa mưa bão đến nay, đây là lần thứ hai, Điện lực Pác Nặm khắc phục sự cố điện từ thông tin của người dân. Nhờ đó, ngành điện đã chủ động khắc phục sớm nhất mọi sự cố xảy ra, đảm bảo lưới điện được vận hành an toàn và thông suốt”, ông Nguyễn Đình Giảng, Giám đốc Điện lực Pác Nặm chia sẻ.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, thiên tai, mưa bão, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố trên lưới điện, như: Sụt lún, gãy đổ cột điện, đứt đường dây; cây gãy đổ vào đường điện… gây mất an toàn lưới điện, Điện lực Pác Nặm đã chủ động tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, làm chủ công nghệ, nâng cao độ ổn định cung cấp điện, tránh sự cố do chủ quan, gây mất an toàn hành lang lưới điện.
Ngày từ đầu mùa mưa bão, đơn vị đã tiến hành tổng kiểm tra lưới điện, kịp thời khắc phục các tồn tại. Gia cố và thay thế các vị trí cột có nguy cơ gây ra sự cố; cải tạo, nâng cấp hệ thống chống sét của lưới điện. Nâng cao độ võng, đảm bảo tiêu chuẩn về khoảng cách an toàn của các đường dây vượt sông suối, vượt đường giao thông. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đóng điện các công trình dự án xây dựng cơ bản, cải tạo lưới điện, nâng công suất các Trạm biến áp, chống quá tải lưới điện.
Điện lực Pác Nặm hiện đang quản lý, vận hành 93 trạm biến áp phân phối; 195 km đường dây 35 kV và gần 246 km đường dây hạ thế, đảm bảo cấp điện cho trên 7.300 khách hàng. Để chủ động đối phó với các sự cố có thể xảy ra, Điện lực Pác Nặm đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư dự phòng, chủ yếu là dây điện, sứ, xà, chống sét van và máy biến áp dự phòng.
Tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng tránh và sử dụng điện an toàn theo đúng quy định. Tổ chức phát quang hành lang lưới điện, thực hiện hạ ngầm một số tuyến đường dây, nắn tuyến đường dây hạn chế đi qua khu dân cư; làm việc với các cơ quan chức năng, nhà mạng tổ chức bó gọn đường dây, quản lý chặt chẽ việc treo các biển quảng cáo… nhằm hạn chế, ngăn ngừa tai nạn, sự cố không đáng có xảy ra trên lưới điện.
Để đảm bảo hành lang, an toàn lưới điện, Điện lực Pác Nặm chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới người dân về các biện pháp bảo vệ hành lang lưới điện và sử dụng điện tiết kiệm, an toàn. Từ đó chung tay với ngành điện bảo vệ, phát quang hành lang tuyến, kịp thời thông tin về sự cố hoặc nguy cơ xảy ra sự cố để ngành điện chủ động các biện pháp khắc phục.
"Hiện nay, Điện lực Pác Nặm đã thành lập Tiểu ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thành lập đội xung kích và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chủ động tham gia, diễn tập các tình huống để có phương án xử lý hiệu quả khi có sự cố xảy ra”, ông Nguyễn Đình Giảng cho biết.
Theo thông tin của PC Bắc Kạn, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, dông sét đã làm cháy, hỏng 04 máy biến áp phân phối và nhiều thiết bị khác như CSV, nguồn điều khiển MC, bộ chuyển đổi điện áp dưới tải...; Ước tính tổng thiệt hại về tài sản gần 1,5 tỷ đồng.
Để tránh bị động trong xử lý các sự cố về điện trong mùa mưa bão, PC Bắc Kạn đã xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị đủ vật tư dự phòng, trang thiết bị an toàn; tổ chức tập huấn diễn tập các tình huống xử lý và kỹ năng cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, công nhân viên; Đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các đơn vị trực thuộc thường xuyên giữ thông tin liên lạc, sẵn sàng tham gia xử lý sự cố.
Cùng với các phương án xử lý cụ thể theo từng cấp độ, công tác cải tạo, nâng cao chất lượng điện cũng được ngành Điện chú trọng. Ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động cắt, tỉa những cây lớn, gần đường dây để đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định trong mùa mưa bão.