Tham dự Hội nghị có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Lê Quang Tiến; Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Lê Thị Đức Hạnh.
Theo báo cáo, trong 20 năm qua công tác triển khai thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được nhiều nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn cho vay, các chương trình tín dụng chính sách được tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Với mô hình tổ chức hoạt động mang tính đặc thù, phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý tín dụng chính sách thông qua Điểm giao dịch, Tổ giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn, từ 3 chương trình tín dụng triển khai tại thời điểm mới thành lập với dư nợ nhận bàn giao là trên 175 tỷ đồng, đến nay đã triển khai thêm 16 chương trình tín dụng chính sách mới với tổng dư nợ đạt trên 3.976 tỷ đồng.
Chú trọng ưu tiên tập trung vốn cho vay hộ nghèo là đồng bào DTTS, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững. Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 139.000 hộ thoát nghèo, cận nghèo; thu hút trên 34.000 lao động có việc làm ổn định; trên 56.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng trên 228.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 15.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng CSXH Việt Nam đã gửi lời cảm ơn tới cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên và các sở, ban, ngành của tỉnh trong suốt 20 năm qua đã quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện để Ngân hàng CSXH tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời mong muốn, tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Ngân hàng CSXH trên địa bàn triển khai tốt hơn nữa tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Về các kiến nghị của tỉnh, Ngân hàng CSXH ghi nhận, sẽ tổng hợp, nghiên cứu, để đề xuất, báo cáo các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, điều chính cho phù hợp với tình hình hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Sơn đề nghị trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tín dụng CSXH; xác định đây là một nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động; bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các chương trình tín dụng CSXH theo chỉ đạo của Trung ương để tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan khác.
Nhân dịp này, 1 tập thể, 1 cá nhân được nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc; 15 tập thể, 20 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 4 cá nhân được nhận Giấy chứng nhận vinh danh của Ngân hàng CSXH Việt Nam; 3 tập thể, 17 cá nhân được nhận Giấy khen của Ngân hàng CSXH Việt Nam đã có nhiều thành tích trong thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ và hoạt động của Ngân hàng CSXH.