Trong báo cáo 6 tháng đầu tiên trước Quốc hội về thao túng tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ dưới thời tân Tổng thống Joe Biden ngày 16/4 cho biết, hiện không có quốc gia nào thuộc các tiêu chuẩn phân loại của Mỹ về nước thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ không xếp Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, điều chính quyền Trump từng làm vào năm 2019 giữa lúc xảy ra căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc nằm trong danh sách 11 quốc gia bị Washington giám sát ở mức độ thấp hơn, bao gồm cả Nhật, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Italia, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico. Trong đó, chỉ có Ireland và Mexico mới được bổ sung vào danh sách ngày 16/4.
Theo AP, không có bất kỳ quốc gia nào hiện bị Mỹ áp trừng phạt kinh tế vì các cáo buộc thao túng tiền tệ.
Theo quy định của Mỹ, những quốc gia bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ khi có thặng dư thương mại song phương với Mỹ hơn 20 tỷ USD, can thiệp bằng ngoại tệ vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP.
Trong khi đó, trong 10 tháng đầu năm 2020, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt kỷ lục 50,7 tỷ USD, vượt quá mức thặng dư 47 tỷ USD của cả năm 2019. Hồi tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam cùng với Thụy Sỹ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Đáp lại cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ vào thời điểm đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN) khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
"Thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam", NHNN nhấn mạnh.
NHNN cho biết, Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Mỹ. Theo đó, Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.
Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.