Năm học 2017-2108, Trường Tiểu học Bum Tở 1 và Bum Tở 2, xã Bum Tở, là một trong 5 trường học được thí điểm sáp nhập thành một trường và lấy tên gọi là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bum Tở. Thầy giáo Phạm Thành Lưu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau khi tiến hành sáp nhập, hiện nay tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong trường là 54 người, giảm 6 người so với trước khi sáp nhập, bao gồm 2 cán bộ quản lý (1 hiệu trưởng và 1 hiệu phó) và 4 nhân viên (kế toán, y tế học đường, bảo vệ, nhân viên phục vụ)”.
Theo thống kê, trong năm học 2017-2018, huyện Mường Tè đã sáp nhập được 5 trường và trong năm 2018-2019 này, sẽ sáp nhập thêm 4 trường nữa; đưa tổng số đơn vị trường trên địa bàn huyện từ 56 trường giảm xuống còn 47 trường. Bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Việc sáp nhập các đơn vị trường học mang lại nhiều lợi ích, nhất là tiết kiệm được nguồn ngân sách, không phải đầu tư cả một hệ thống nhà hiệu bộ.
Cụ thể, khi ghép trường lại sẽ giảm được ít nhất trên 5 tỷ đồng một trường, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nhà làm việc cho hệ thống cán bộ quán lý, giáo viên. Bên cạnh đó, việc sát nhập các đơn vị trường học góp phần lựa chọn được người quản lý xuất sắc để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, tinh giản biên chế mà đầu tiên là số hiệu trưởng, giảm được chi phí về tài chính, tinh giản nhân viên phục vụ...
Căn cứ vào tình hình thực tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND huyện tiến hành sắp xếp, sáp nhập những điểm trường có học sinh dưới 200 em. Dự kiến đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu sắp xếp, sáp nhập và giảm xuống còn 35 trường, giảm khoảng 110 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên phục vụ.
Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành sáp nhập các trường học liên cấp. Theo đó, trường tiểu với trường trung học cơ sở sáp nhập vào thành trường liên cấp Tiểu học-Trung học cơ sở.
“Trước kia, học sinh tiểu học chuyển lên cấp học trên, cấp học trên hay có lý do là cấp học dưới chưa chú trọng nâng cao chất lượng dẫn đến đầu vào không cao... thì nay, hai trường sáp nhập với nhau tất cả về một mối, đương nhiên chất lượng người đứng đầu trường liên cấp phải chịu hoàn toàn về chất lượng dạy và học khi các trường sáp nhập lại với nhau”, ông Hiển nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có những khó khăn nhất định, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục cần quan tâm tháo gỡ cho các nhà trường. Theo thầy Phạm Thành Lưu, nhiều điểm bản cơ sở vật chất còn hạn chế, một số phòng lớp học đã xuống cấp, ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy của các thầy cô giáo. Đường sá đi lại xa xôi, địa bàn rộng, vì thế công tác quản lý của các thầy cô giáo, đặc biệt là Ban Giám hiệu chưa được thường xuyên hàng ngày. Một số em học sinh phải đi học xa hơn, vì trong quá trình sáp nhập học sinh bán trú sẽ tập trung về một điểm, việc đi lại sẽ xa hơn so với trước khi sáp nhập....
BÀI VÀ ẢNH : TRỌNG BẢO