Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, là thị trấn biển lớn nhất của tỉnh Cà Mau. Những ngày này, phố biển Sông Ðốc rộn ràng, nhộn nhịp hẳn lên, từ hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản cho đến hoạt động của các cơ sở chế biến, sản xuất...
Làng nghề làm cá khô biển Sông Ðốc sản xuất quanh năm, nhưng chính vụ (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau). Khi các tàu đánh bắt vào bờ với cá đầy khoang, chủ các cơ sở tấp nập đến lấy cá mang về chế biến. Vào mùa chính vụ, làng nghề hoạt động nhộn nhịp hơn, mang lại thu nhập ổn định cho bà con và cũng tạo ra việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Đặc biệt, ở đây có rất nhiều loại cá khô được người tiêu dùng ở thị trường trong nước ưa chuộng mà còn xuất sang cả thị trường một số nước như: Cá khoai, cá lưỡi trâu, cá hố, cá trích, cá mối, cá lù đù, tôm, mực... Nguồn thu từ những sản phẩm khô đang giúp cho người dân ven biển bảo tồn được nghề truyền thống lâu đời và cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch thị trấn Sông Đốc cho biết: Hiện nay, có khoảng 70 hộ làm nghề cho thu nhập khá ổn định. Hầu hết nghề làm cá khô biển Sông Đốc đều làm thủ công, phơi dưới ánh nắng mặt trời và không sử dụng các loại chất bảo quản, phẩm màu. Sản phẩm cá khô làm ra không chỉ tiêu thụ ở trong nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Nguyên... mà còn xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc.
“Công việc ở làng nghề cá khô phù hợp với những lao động nhàn rỗi... do vậy, vào mùa cao điểm, nhất là vào dịp Tết, người dân khắp nơi về đây mưu sinh bằng nghề biển như làm ngư phủ, làm khô biển, mua bán hải sản", ông Khoa chia sẻ.
Anh Huỳnh Văn Thuận (khóm 6, thị trấn Sông Đốc), cho biết: Gia đình đã theo nghề làm cá khô tại đây gần 20 năm. Vào mùa chính vụ, mỗi cơ sở có lúc thu hút hàng chục lao động, mỗi ngày trung bình một lao động có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng. Hoạt động của các cơ sở làm cá khô cũng đã góp phần giúp cho sản phẩm đánh bắt của ngư dân có đầu ra và giá cả ổn định.
"Tuy nhiên, để sản phẩm được người tiêu dùng vừa ý, cá khô phải có mùi vị thơm ngon, độ khô vừa phải, thịt chắc, bảo đảm vệ sinh thực phẩm… thì người làm cá khô phải có kinh nghiệm từ khâu chọn cá, mổ cá, ướp cá đến phơi cá”, anh Thuận chia sẻ.
Có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề làm cá khô ở thị trấn Sông Đốc, chị Trần Thị Thảo (khóm 4, thị trấn Sông Đốc) chia sẻ, thông thường, vào mùa nắng, cá sau khi được thu mua ngoài ghe phải mang về đánh vẩy, bỏ ruột. Sau khi rửa sạch và ngâm nước muối khoảng 1 đêm để cá thấm đủ mặn thì mang đi rửa lại, để ráo, rồi chất lên vỉ đem phơi 2 nắng (2 ngày) trong điều kiện nắng tốt, để cho ra sản phẩm ưng ý nhất. Vào những ngày này, những chuyến biển thuận lợi, đồng nghĩa với việc làng làm cá khô cũng tất bật. Mỗi ngày, các cơ sở sản xuất lớn nhỏ cho ra vài tấn cá khô các loại. Hiện cơ sở của gia đình chị có nhiều mặt hàng cá khô với giá dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/kg tùy loại.
“Vào mùa mưa, cá cũng được làm sạch rồi muối nhưng chưa phơi liền mà được bảo quản trong tủ đông hoặc thùng đá cho đến khi có nắng mới phơi. Với cách làm này, người dân ở đây sẽ sản xuất được cá khô quanh năm, với những ngày cận Tết thì năng suất và sản lượng sẽ tăng lên nhiều lần”, chị Thảo cho biết.
Cá khô biển từ làng nghề Sông Ðốc lâu nay đã có mặt trong bữa ăn của nhiều gia đình, không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù, để có được những mẻ cá khô ngon, đậm đà hương vị quê biển, người dân làng nghề phải thức khuya dậy sớm, chạy nắng dầm sương. Song họ luôn tự hào về những sản phẩm của quê hương mình, cố gắng làm ra những mặt hàng khô ngon, chất lượng và xây dựng nên thương hiệu khô biển Sông Đốc nổi tiếng gần xa.
Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, làng nghề khô biển Sông Đốc cũng chế biến thêm nhiều mặt hàng mới như mực một nắng, mực trứng, cá khô đuối một nắng, khô tôm tít… giúp người tiêu dùng càng có thêm nhiều sự lựa chọn.