Từ đầu năm 2020 đến nay, các bệnh viện ở Tây Nguyên đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nhiều vụ tai nạn lao động do máy cắt cỏ gây ra. Có vụ bàn tay, bàn chân đứt lìa, dẫu được nối thành công nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn tinh thần.
Theo Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng, mùa này đang là thời kỳ cao điểm người dân đi làm vườn, làm rẫy, sử dụng máy cắt cỏ phổ biến, hầu như nhà nào cũng có. Nhiều tiện lợi từ máy mang lại nhưng người sử dụng sơ ý dễ gây thương tích ngay. Bệnh viện đã nối hàng chục ca bị đứt lìa tay. Bệnh nhân đến trong tình trạng rất hốt hoảng và đau đớn.
Sau khi bàn tay phải bị đứt đôi được BVĐK Lâm Đồng nối thành công, chị Vũ Thị Ét, thường trú tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cứ nhìn thấy máy cắt cỏ là ám ảnh. Do cầm máy không chặt, giữa lúc máy đang chạy mạnh thì tuột ra, cuốn vào tay phải của chị Ét. Người thân nhanh chóng nhặt được phần tay đứt mang đến bệnh viện, bác sĩ phẫu thuật kịp thời. Chị Đặng Thị Hà (55 tuổi, trú tại xã Liên Hà, huyện Lâm Hà) trong khi dùng máy cắt cỏ trong vườn nhà cũng bị máy cuốn đứt đôi bàn tay, nhiều ngón bị dập nát, các bác sĩ BVĐK Lâm Đồng phải trải qua nhiều tiếng đồng hồ mới phẫu thuật thành công.
Còn trường hợp ông Lê Thành Tấn, huyện Ma Đ’rắk (Đăk Lăk) cũng bị thương do máy cắt cỏ. Khi đến bệnh viện, vết thương ở chân đã có biến chứng hoại tử, nên dù đã được chữa khỏi nhưng chân vẫn tê buốt mỗi khi trái gió trở trời.
Hầu hết các tai nạn nghiêm trọng từ máy cắt cỏ đều xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân thường có tâm trạng lo âu nên bảo quản phần chân, tay đứt không tốt, sẽ khó khăn cho việc phẫu thuật. Đơn cử như trường hợp ông Đinh Văn Diệp, trú tại xã Quảng Phú, huyện K’rông Nô (Đăk Nông) từng bị máy cắt cỏ cắt đứt lìa hai bàn chân. Tuy nhiên, chỉ một bên phần đứt ra được bảo quản tốt, đưa đến viện kịp thời. Vì vậy, dù cố gắng cũng chỉ nối thành công một chân, một chân phải cắt bỏ do hoại tử và vết thương quá nặng, không được sơ cứu kịp thời.
Theo BVĐK vùng Tây Nguyên, các trường hợp bị tai nạn do vận hành máy cắt cỏ cần phải sơ cứu nhanh, sớm và đưa đến viện ngay. Người dân tuyệt đối không nên chủ quan. Trường hợp bị đứt ngón tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân, nếu không phẫu thuật nối vi phẫu kịp thời thì sẽ bị hoại tử và để lại di chứng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Đối với phần tay, chân bị máy làm đứt lìa cần vận chuyển nhẹ nhàng, có thể rửa bằng nước đun sôi để nguội. Quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào một túi nhựa mỏng, cột miệng túi lại. Sau đó, đặt túi vào thùng đá lạnh hoặc có thể cho vào các túi đá lạnh, bảo đảm túi không bị thủng trong quá trình vận chuyển rồi đưa cùng nạn nhân đi viện càng sớm càng tốt. Tốt nhất nên nhờ nhân viên y tế địa phương hỗ trợ. Đặc biệt, để không xảy ra các tai nạn đáng tiếc, người dân cần cẩn trọng khi sử dụng máy cắt cỏ, thường xuyên kiểm tra, bảo trì máy.