Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 13/1, đã có 262.689.452 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 48.830.747 ca bệnh đang điều trị, có 48.734.528 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 96.219 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 224 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 1.278.412 ca nhiễm và 3.640 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 99.894.559 ca nhiễm mới và 1.561.596 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Pháp, Italy và Tây Ban Nha có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 361.719; 196.224 và 179.125 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong khi đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực với 745 ca, tiếp sau đó là Ba Lan (684 ca) và Anh (398 ca).
Với 88.171.626 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 13/1, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong một ngày qua, châu lục ghi nhận thêm 483.252 ca nhiễm mới và 685 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 mới cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 241.976; 77.722 và 8.290 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong cao nhất là: Thổ Nhĩ Kỳ (145 ca); Philippines (144 ca) và Ấn Độ (85 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 75.353.182 ca, trong đó có 1.267.210 ca tử vong và 52.020.696 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 710.413 ca nhiễm COVID-19 mới, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực; tiếp sau là Mexico với 33.626 ca và Canada với 18.134 ca nhiễm mới. Mỹ cũng đồng thời ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong ngày qua với 2.093 ca; sau đó là Mexico với 162 ca, Canada với 98 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 268.935 ca nhiễm và 138 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 41.879.537 ca và 1.195.707 ca tử vong. Trong ngày qua, Argentina là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 131.082 ca nhiễm mới, sau đó là Brazil với 88.464 ca, và Colombia với 29.857 ca nhiễm mới. Ngoài ra, với 138 ca tử vong ghi nhận trong một ngày qua, Brazil là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất khu vực vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 75 ca và Colombia với 69 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 13/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 10.333.907 ca, trong đó có 233.029 ca tử vong và 9.106.242 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với tổng số 3.540.891 ca nhiễm và 92.830 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 6.760 ca nhiễm mới và 181 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Tunisia và Morocco với lần lượt 6.323 và 5.518 ca nhiễm COVID-19 mới; Nambia và Tunisia với lần lượt 26 và 24 ca tử vong mới do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 1.415.808 ca nhiễm (tăng 102.944 ca) và 4.758 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 57 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 102.567 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.245.483 ca, trong đó 2.465 ca tử vong (tăng 49 ca). Tiếp sau đó là Fiji với 204 ca nhiễm, 7 ca tử vong mới và New Zealand với 92 ca nhiễm, 1 ca tử vong mới trong ngày qua.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 12/1, đã lên tiếng cảnh báo đồng thời kêu gọi sẵn sàng ứng phó với sự bùng phát của dịch COVID-19 và các bệnh về đường hô hấp khác trong mùa Xuân sắp tới.
Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, chuyên gia của WHO, Tiến sĩ Maria van Kerkhove cho rằng điều này có thể xảy ra khi sự hòa nhập, giao thiệp của người dân gia tăng và khi các nguồn bệnh liên quan đến đường hô hấp như bệnh cúm xuất hiện vào mùa Xuân. Ngoài ra, Tiến sĩ Maria van Kerkhove cũng cảnh báo về khả năng bùng phát dịch trong tương lai liên quan đến những trường hợp chưa tiêm vaccine và không được phòng vệ đầy đủ. Theo chuyên gia này, các ca bệnh nặng và tử vong có thể giảm bớt nhờ tiêm vaccine cũng như việc cải thiện công tác điều trị.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuần trước đã ghi nhận hơn 15 triệu ca mắc COVID-19 mới trên khắp thế giới. Đây cũng là con số lớn nhất được ghi nhận chỉ trong một tuần. Điều này xảy ra là do “biến thế Omicron nhanh chóng thế chỗ biến thể Delta ở hầu hết tất cả các nước”. Người đứng đầu WHO lưu ý rằng trong khi biến thể Omicron gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn biến thể Delta song nó vẫn là một virus nguy hiểm, đặc biệt là đối với những ai chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. WHO đã nhiều lần cảnh báo về việc số ca lây nhiễm tăng vọt đang gây khó khăn cho các hệ thống y tế./.